Trồng lúa Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa
Trồng lúa Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Tác giả Ánh Nguyệt, ngày đăng 04/12/2017

Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh đạo ôn đang phát sinh và gây hại nặng trên lúa đông xuân tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, một số diện tích đã bị cháy chòm.

Tại các tỉnh phía Bắc, thời tiết ấm, âm u, mưa phùn kéo dài thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái, nhất là trên các giống nhiễm (Xi 23, IR 1820, X21, BC 15, NX 30, AC 5, nếp, …), có khả năng hại nặng cục bộ (gây cháy chòm) ở những chân đất cát pha, thịt nhẹ ven sông ven biển, vùng bán sơn địa và những ruộng bón nhiều đạm, phun nhiều chất kích thích sinh trưởng,...

Triệu chứng bệnh

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây nên.

Trên lá lúa (giai đoạn đẻ nhánh) vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, hai đầu nhọn dọc theo gân lá, giữa bạc trắng, xung quanh viền nâu, ngoài cùng có quầng vàng hẹp. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau tạo thành vết lớn và gây hiện tượng cháy lá.

Trên thân, vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen, về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân teo lại, cây lúa dễ bị gãy gục.

Trên cổ bông, vết bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm hơi teo thắt lại. Bệnh xuất hiện sớm làm bông lúa bị lép trắng hoàn toàn. Nếu bệnh xuất hiện muộn sẽ gây hiện tượng gẫy cổ bông hoặc hạt bị lửng, lép.

Đặc điểm phát sinh, phát triển

Bệnh đạo ôn thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, ít nắng, có mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều. Theo quy luật về thời tiết, bệnh thường phát sinh phát triển mạnh vào vụ đông xuân giai đoạn lúa con gái - đứng cái - làm đòng.

Những ruộng lúa gieo cấy quá dày, bón thừa phân đạm sẽ làm tăng sự phát triển của bệnh.

Biện pháp phòng trừ

- Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất lúa, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện bệnh sớm để kịp thời phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.

- Bón phân cân đối NPK, không nên bón đạm tập trung vào trước thời kỳ cuối đẻ nhánh, làm đòng và trước, sau trỗ. Khi cây lúa bị bệnh, tuyệt đối không bón đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.

- Giữ mực nước đầy đủ trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước từng giai đoạn của cây lúa, tránh để ruộng khô hạn khi có bệnh xảy ra.

- Vệ sinh đồng ruộng, diệt lúa chét, làm sạch cỏ bờ… hạn chế mầm bệnh lưu tồn và lây lan sang vụ sau.

- Có thể sử dụng một trong các thuốc đặc trị bệnh đạo ôn sau: New Hinosan 30EC, Kasai 21,2%, Fujione 40ECTrizol 20WP hoặc 75WP, Rabcide 30WP... Khi phun thuốc, chú ý sử dụng đúng theo hướng dẫn trên bao bì.


Nâng cao năng suất lúa nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa Nâng cao năng suất lúa nhờ áp dụng… Trung Quốc: Thành công trong việc tăng năng suất giống gạo chịu mặn Trung Quốc: Thành công trong việc tăng năng…