Phòng trừ sâu bệnh hại trong tái canh cây cà phê vối - Phần 2
2. Bệnh hại
a) Bệnh vàng lá, thối rễ
Bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng (Pratylenchus coffeae (Zimmermann) Schuurmanns-Stekhoven, Pratylenchus spp., Meloidogyne spp.) và nấm hại rễ (Furasium spp.) gây hại.
Trên cà phê kiến thiết cơ bản cây có triệu chứng vàng lá, thối rễ cọc, cây thường bị nghiêng trong mùa mưa và rất dễ nhổ lên bằng tay. Trên cà phê đã cho quả, cây sinh trưởng chậm, có ít cành thứ cấp, lá chuyển sang màu vàng, rễ tơ bị thối.
Biện pháp phòng trừ:
- Về làm đất: sau khi nhổ bỏ cà phê phải cày rà rễ, thu gom và tiêu hủy.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ luân canh cây trồng. Luân canh cây phân xanh, cây đậu đỗ 2 - 3 năm.
- Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng để ươm cây.
- Đối với những vườn ươm đã sản xuất cây giống cà phê nhiều năm (> 2 năm) cần xử lý tuyến trùng trên cây con trong bầu bằng cách dùng một trong các loại thuốc sinh học Paecilomyces lilacinus (Palila 500 WP), Clinoptilolite (Map logic 90 WP), Chitosan (Oligo - Chitosan) (Kaido 50 SL, 50 WP; Tramy 2 SL), Cytokinin (Zeatin) (Geno 2005 2 SL) theo hướng dẫn trên bao bì hoặc thuốc hóa học Ethoprophos (Mocap 10 G 2 g/bầu hoặc Vimoca 20 ND nồng độ 0,3 %, 20 ml/bầu). Xử lý 2 - 3 lần, cách nhau 1 tháng, lần đầu trước khi xuất vườn 2 - 3 tháng.
- Lựa chọn cây giống sinh trưởng khỏe không bị bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện kịp thời: đào, đốt cây bị bệnh. Cây quanh vùng bệnh có thể dùng thuốc phòng tuyến trùng như Ethoprophos (Mocap 10 G 50 g/gốc, Vimoca 20 ND nồng độ 0,3 %, 2 lít dung dịch/gốc), Carbosulfan (Marshal 5 G 50 g/gốc); Benfuracarb (Oncol 20 EC nồng độ 0,3 %, 2 lít dung dịch/gốc).
- Bón phân đầy đủ, cân đối đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá nhất là đối với các vườn liên tục cho năng suất cao.
- Sử dụng các chế phẩm sinh học như Paecilomyces lilacinus (Palila 500 WP), Chitosan (Oligo – Chitosan) (Jolle 1 SL, 40 SL, 50 WP; Kaido 50 SL, 50 WP), Cytokinin (Zeatin) (Geno 2005 2 SL) hạn chế sự phát triển của tuyến trùng. Đồng thời sử dụng Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC), Trichoderma spp. (TRICÔ - ĐHCT) để phòng trừ nấm.
- Hạn chế xới xáo trong vườn cây bị bệnh để tránh làm tổn thương bộ rễ.
- Không sử dụng biện pháp tưới tràn.
- Khi phát hiện cây bệnh, tiến hành xử lý cây bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh dùng bằng thuốc tuyến trùng kết hợp với thuốc trừ nấm. Tưới 2 lần cách nhau 15 ngày để phòng và cô lập nguồn bệnh. Việc tưới thuốc nên thực hiện trong mùa mưa (tốt nhất vào đầu mùa mưa trong tháng 4 đến tháng 5) khi đất có đủ độ ẩm.
b) Bệnh gỉ sắt
Bệnh do nấm Hemileia vastatrix Berkeley & Broome gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mùa mưa. Tác hại của bệnh là làm rụng lá, làm cho cây suy yếu, năng suất thấp. Nếu bị nặng cây có thể bị chết.
Biện pháp phòng trừ:
- Sử dụng dòng cà phê kháng bệnh đã được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8...
- Ghép chồi để thay thế các cây bị nặng.
- Sử dụng một trong các loại thuốc thuốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC).
- Phun một trong các loại thuốc hóa học để phòng trừ bệnh như: Hexaconazole (Anvil 5 SC) hay Difenoconazon + Propiconazon (Tilt 300 EC) ở nồng độ 0,2%, Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC) nồng độ 0,1%, Diniconazole (Sumi - Eight 12.5 WP) nồng độ 0,1%.
Khi phun thuốc phải bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Phải phun ướt đều các lá trên cây. Khi phun phải ngửa vòi để phun vào phía dưới mặt lá.
+ Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10% lá bị bệnh (thường xảy ra sau khi bắt đầu mùa mưa 2 - 3 tháng), phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
+ Chỉ phun cho những cây bị bệnh nặng.
c) Bệnh khô cành, khô quả và bệnh thối cuống quả
Bệnh khô cành khô quả có nguyên nhân do mất cân đối dinh dưỡng hay do nấm Colletotrichum spp. gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Bệnh xuất hiện vào giữa mùa mưa (tháng 7 - 9)
Bệnh thối cuống quả do nấm Colletotrichum spp. gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên quả ngay từ giai đoạn còn non, làm quả bị thối từ cuống và rụng. Bệnh xuất hiện từ giữa mùa mưa.
Biện pháp phòng trừ:
- Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân đầy đủ để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ cành bị bệnh.
- Dùng thuốc sinh học: Trichoderma spp. + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC) hoặc một trong các loại thuốc hóa học như: Carbendazim (Carbenzim 500 FL, Carban 50 SC), Propineb (Antracol 70 WP) ở nồng độ 0,2 % hay Tebuconazone + Trifloxystrobin (Nativo 750 WG) ở nồng độ 0,05 %, Citrus oil (Map Green 6 AS) kết hợp với Difenoconazole + Propiconazole (Map super 300 EC) mỗi loại 5 ml pha chung trong bình 10 lít.
Phun vào đầu mùa mưa (sau khi có mưa 1 - 2 tháng), phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày.
d) Bệnh nấm hồng
Bệnh do nấm Corticum salmonicolor Berkeley & Broome gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu ở trên các cành nằm ở phần trên của tán, gần nơi phân cành và phần ngọn của cây. Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa. Khi cành bị bệnh hầu hết đều bị chết. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là phát hiện kịp thời để cắt bỏ các cành bệnh. Sử dụng một trong các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC). Nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể dùng thuốc hóa học Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 2% hay Hexaconazole (Anvil 5 SC) nồng độ 0,2%, phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
e) Bệnh lở cổ rễ
Bệnh thường gây hại trên cây con trong vườn ươm, cây trong thời kỳ KTCB. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn và Fusarium spp. gây nên. Phần cổ rễ bị khô hay bị thối một phần khiến cây sinh trưởng chậm, vàng lá và có thể dẫn tới chết cây.
Biện pháp phòng trừ:
- Trong vườn ươm không để bầu đất quá ẩm hay bị đóng váng trên mặt bầu, điều chỉnh ánh sáng thích hợp. Nhổ bỏ và đốt cây bị bệnh, cây xung quanh phải được phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc sinh học Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC) hoặc thuốc hóa học Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 2%; Benomyl (Bendazol 50 WP, Viben C 50 BTN) nồng độ 0,2%.
- Trên vườn cây giai đoạn KTCB không để đọng nước. Khi làm cỏ, chăm sóc tránh gây vết thương ở vùng cổ rễ. Nhổ bỏ và đốt cây bị bệnh nặng, cây bệnh nhẹ tưới vào mỗi gốc 1 - 2 lít dung dịch Benomyl (Bendazol 50 WP, Viben C 50 BTN) nồng độ 0,5 % hoặc Validamycin (Validacin 5 L, Validan 5 DD) nồng độ 3 %, tưới 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày; Hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học có chứa nấm Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp. + K-Humate (Bio - Humaxin Sen Vàng 6 SC) để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ