Mô hình kinh tế Phú Yên lo ngại phá vỡ quy hoạch, sâu bệnh cây hồ tiêu

Phú Yên lo ngại phá vỡ quy hoạch, sâu bệnh cây hồ tiêu

Ngày đăng 16/06/2015

Phú Yên lo ngại phá vỡ quy hoạch, sâu bệnh cây hồ tiêu

Diện tích tăng nhanh

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích. Tính đến năm 2015, diện tích tiêu tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An tăng lên 700ha.

Hiện Phú Yên chưa có quy hoạch chính thức phát triển cây hồ tiêu. Tuy nhiên, theo Quyết định 1442 của Bộ NN-PTNT, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì đến năm 2020 cả nước ổn định 50.000ha (hiện nay trên 60.000ha), phân bổ cho Phú Yên là 400ha. Vì vậy, hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã vượt gần gấp đôi so với quy hoạch của Bộ NN-PTNT.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), thời gian qua và hiện nay giá hồ tiêu tăng khá cao, nên nông dân chọn giống trồng tự phát và mở rộng diện tích sản xuất, có khả năng cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm thấp, sản xuất thiếu bền vững.

Cũng do mở rộng tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu. Đáng lo nhất hiện nay là nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận đã đầu tư bón nhiều phân hóa học để kích thích cho cây tăng trưởng, tăng năng suất, khai thác cạn kiệt vườn cây, làm cây tiêu mau thoái hóa.

“Những năm gần đây, vòng đời cây tiêu giảm xuống còn 10 đến 12 năm so với trước kia là từ 20 đến 25 năm. Vì vậy, các địa phương vận động nhân dân ổn định vùng sản xuất, không nên tăng diện tích trồng tiêu quá nhanh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền phổ biến trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật”, ông Thắng nói.

“Mù” thuốc trị bệnh tiêu

Tại các xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) giống tiêu chủ yếu là tiêu sẻ Vĩnh Linh. Ngoài ra, nông dân còn du nhập một số giống tiêu lá lớn, còn gọi là tiêu trâu gồm các giống Sẻ Mỡ (Đồng Nai), Trâu Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện có 400ha tiêu ở huyện Tây Hòa bị bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng. Khi vườn tiêu bị nhiễm sâu bệnh, nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ nhưng nông dân chỉ dựa vào các đại lý thuốc là chính nên không mang lại hiệu quả.

Ông Bùi Văn Nam ở xã Sơn Thành Tây, cho biết: “Tôi trồng 800 trụ tiêu từ năm 2010, sau một thời gian, tiêu chết 40 trụ. Ban đầu tiêu bị vàng lá, tôi đi hỏi mấy người xung quanh rồi ra đại lý “tả” chứng bệnh, được đại lý “kê đơn” rồi bán thuốc về phun nhưng không khỏi”. Còn bà Nguyễn Thị Nhung cũng ở xã Sơn Thành Tây, trồng 8 sào tiêu, sau đó tiêu mắc bệnh, chết, bà phải trồng dặm nhiều lần. “Khi tiêu bị sâu bệnh, tôi hỏi thăm nhiều người, rồi ra đại lý mua thuốc về phun nhưng không khỏi”, bà Nhung nói.

Qua đợt điều tra dịch bệnh tiêu mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, thời gian qua, nông dân sử dụng không đúng loại thuốc đặc trị nên hiệu quả phòng trừ không cao. Nhiều người trồng tiêu dùng thuốc Viben trừ tuyến trùng, Anvil trừ bệnh thán thư, Nevo trừ bệnh gỉ sắt... Trong khi đó, trừ tuyến trùng phải dùng thuốc Vimoca, Regal… bệnh thán thư thì dùng Vicarben, Kocide, Mirage… Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý sẽ làm sâu bệnh ngày càng kháng thuốc, gây độc với môi trường và con người, đồng thời hiệu quả phòng trừ thấp.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian qua, người trồng tiêu thiếu thông tin về các loại sâu bệnh hại tiêu, các loại thuốc đặc trị trừ sâu bệnh hại, trong khi sâu bệnh ngày càng phát triển, gây hại nặng hơn. Trong thời gian đến, tỉnh Phú Yên quy hoạch vùng trồng tiêu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học và nông dân để xây dựng mô hình “vườn tiêu mẫu” áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đồng bộ, sau đó nhân rộng để mang lại hiệu quả cho nông dân trồng tiêu.


Ớt tiếp tục lên giá Ớt tiếp tục lên giá Số hóa trên cây trồng thực nghiệm ở Đà Lạt Số hóa trên cây trồng thực nghiệm ở…