Mô hình kinh tế Phước Hà (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo
Mô hình kinh tế Phước Hà (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo

Phước Hà (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo

Ngày đăng 24/04/2015

Phước Hà (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo

Thế mạnh của Phước Hà là phát triển chăn nuôi bò, tuy nhiên do tập quán chăn thả, dựa vào đồng cỏ tự nhiên nên trọng lượng bò nuôi đạt thấp, hiệu quả không cao. Nhằm giúp bà con áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, năm 2012, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với xã Phước Hà triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo tại thôn Trà Nô cho 40 hộ dân.

Theo đó, mỗi hộ được vay 12 triệu đồng để mua bò, sau 18 tháng sẽ thu hồi lại gốc ban đầu để tiếp tục cho các hộ khác vay theo hình thức xoay vòng; các hộ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bò… Sau gần 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình đều rất phấn khởi vì bò phát triển tốt, đạt hiệu quả cao.

Trung bình mỗi cặp bò con mua ban đầu có giá từ 10 - 12 triệu đồng, sau thời gian vỗ béo có thể bán với giá 50 - 55 triệu đồng, lợi nhuận thu về được các hộ quay vòng để tiếp tục nuôi bò mở rộng quy mô. Anh Mang Hưng, hộ tham gia mô hình ở thôn Trà Nô cho biết: Gia đình mình được vay 12 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi vỗ béo, thông qua lớp tập huấn mình đã biết tận dụng các nguồn thức ăn rơm, lá bắp, trồng thêm cỏ cho bò ăn nên mau lớn. Hai con bò bán được 50 triệu đồng, thu lãi 30 triệu đồng và đã trả lại vốn cho chương trình. Hiện giờ, tái đàn lên được 4 con.

Qua tìm hiểu, mô hình nuôi bò vỗ béo ở thôn Trà Nô có hiệu quả hơn hẳn cách chăn nuôi truyền thống, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, đã có gần 30 hộ tham gia mô hình thoát nghèo, hầu hết các hộ đã hoàn trả lại vay ban đầu. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân trong xã cũng học tập làm theo. Anh Ma Năng Phước, ở thôn Giá chia sẻ: Gia đình tôi có 4 con bò nuôi theo hình thức chăn thả. Thấy các hộ nuôi bò vỗ béo có hiệu quả, nên tui học hỏi làm theo, bằng cách tách đàn những con bò ốm yếu để chăm sóc riêng, nên sau thời gian bò mập mạp, bán được giá cao hơn.

Đến nay, với số vốn thu hồi của 40 hộ dân ở thôn Trà Nô, xã đã chuyển qua cho 19 hộ vay mua bò ở thôn Giá và thôn Là A. Đồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Mô hình nuôi bò vỗ béo là thiết thực nhất, mở ra hướng đi phù hợp với lợi thế của địa phương. Hiện nay, xã đã triển khai nhân rộng mô hình ra các thôn khác. Từ các nguồn vốn đầu tư hàng năm của cấp trên và vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, xã sẽ tạo điều kiện cho nhân dân vay phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.


Làm giàu từ nuôi dê núi Làm giàu từ nuôi dê núi Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và định hướng Chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả và…