Tôm thẻ chân trắng Phương pháp chuẩn đoán và phòng ngừa bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Phương pháp chuẩn đoán và phòng ngừa bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Ngày đăng 03/06/2015

Phương pháp chuẩn đoán và phòng ngừa bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Bệnh virus đốm trắng là bệnh gây chết tôm nuôi với số l­ượng lớn, khả năng lây lan rất mạnh, dễ phát triển thành dịch và hiện nay ch­ưa có thuốc chữa.

Để tăng cư­ờng biện pháp phòng ngừa, xử lý dịch bệnh đốm trắng trong nuôi tôm nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây nên, Chúng tôi giới thiệu đến các hộ nuôi tôm một số lưu ý về biện pháp kỹ thuật chẩn đoán và phòng ngừa như sau:

1. Triệu chứng bệnh đốm trắng.

- Tôm yếu, dạt bờ, bơi lên mặt nước

- Dấu hiệu đặc trưng:  thân tôm xuất hiện nhiều đốm trắng tròn to nhỏ khác nhau nằm dưới lớp vỏ kitin (đường kính cỡ   0,5 - 2,0 mm) ở phần giáp đầu ngực và đốt cuối thân.

- Màu sắc tôm chuyển sang màu hồng tối hoặc nhợt nhạt. Phần đuôi có màu hồng tái nhạt.

- Tôm yếu, giảm ăn (trước khi tôm bị bệnh 2 - 3 ngày tôm vào sàng ăn và ăn nhiều hơn bình thường), đa phần tôm dạt vào bờ là ruột rỗng

- Tôm chết khá nhanh trong vòng 5 -7 ngày, đặc biệt chết nhiều sau khi lột xác. (Trong thực tế khi phát hiện các đốm trắng trên các con tôm tấp vào mé bờ ao yếu và chết, kết hợp màu sắc đỏ thân, tôm sẽ chết rất nhanh, sẽ chết gần hết sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện)

2. Nguyên nhân

- Do Virus WSSV (White-Spot Syndrome Virus) hoặc SEMBV (Systemic Ectodermal and Mesodermal Baculovirus)

- Ngoài ra, trong một số trường hợp tôm bị nhiễm đốm trắng cũng có thể do hàm lượng vôi trong ao quá lớn hoặc do vi khuẩn Vibrio sp.

3. Các giai đoạn phát triển bệnh

- Giai đoạn ủ bệnh với WSSV ở tôm nuôi thường kéo dài trong vòng 1 - 2 tháng, giai đoạn này không có bất kỳ một triệu chứng lâm sàng nào, tuy nhiên sự phát triển sang giai đoạn phát bệnh có thể xảy ra sau vài giờ trong điều kiện tôm nuôi bị sốc.

- Giai đoạn phát bệnh: Sự phát bệnh là khi một tỷ lệ lớn tôm nuôi bị chết trong một khoảng thời gian ngắn khi bị nhiễm WSSV. Thời gian chuyển từ giai đoạn ủ bệnh sang giai đoạn phát bệnh ở tôm phụ thuộc vào một số yếu tố: như kích cỡ tôm và sự xuất hiện của các yếu tố gây sốc (stress).

4. Đặc điểm phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh

- Bệnh phân bố ở giáp xác, như các loài tôm: tôm sú, tôm thẻ, tôm lớt, tôm rảo, tôm chì. Ngoài ra, còn gặp ở một số loài Cua biển, Ghẹ Moi, giáp xác phù du…

- Bệnh thường xuất hiện sau khi nuôi 30 - 60 ngày, tôm phát bệnh thường chết hàng loạt đầu tiên là tôm rảo, tôm đất và cua  sau đó tiếp tục chết tôm nuôi.

- Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân và đầu mùa hè (vào thời điểm giao mùa hay thời tiết thay đổi).

- Khi môi trường ao nuôi xấu bệnh thường dễ xuất hiện.

5. Các con đường lây truyền bệnh

- Truyền từ tôm  mẹ sang tôm con

- Từ tôm bị bệnh truyền sang tôm không bệnh.

- Từ vật chủ trung gian (cua, còng, tôm đất...).

- Từ yếu tố con người

- Từ chim, chó, mèo, vịt…(mang mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi)

- Rò rỉ nước từ ao nuôi bị bệnh.

6. Chẩn đoán bệnh

* Bằng mắt thường quan sát:

- Ao có tôm chết dọc bờ ao: Tôm chết phần nhiều có trạng thái bình thường, chỉ có một số ít có chấm trắng ở phần vỏ đầu ngực và những đốt cuối, sức ăn giảm.      - Dựa vào phần triệu chứng để chẩn đoán; nếu triệu chứng không rõ ràng cần báo cho cán bộ kỹ thuật của Chi cục nuôi trồng và Chi cục thú y để được hỗ trợ hướng dẫn kiểm tra xử lý.

* Lấy mẫu đi kiểm tra bệnh bằng phương pháp PCR tại phòng kiểm tra bệnh tôm.

7. Phòng bệnh

- Bệnh do virus nên hiện không có thuốc đặc trị do đó lấy việc phòng bệnh là chủ yếu.

- Nuôi tôm đúng mùa vụ, thả giống theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Ao trước khi đưa vào nuôi phải được tẩy dọn kỹ. Nếu ao có ốc phải nhặt hết trước khi lấy nước vào.

- Diệt hết các loài giáp xác tạp trong ao.

- Lấy nước vào ao, phải lọc qua lưới để hạn chế các sinh vật khác theo vào, sau 4 ngày tiến hành xử lý diệt trùng.

- Chọn đàn giống tốt (đã được kiểm dịch - không có bệnh đốm trắng)

- Trong quá trình nuôi nên định kỳ dùng chế phẩm sinh học, vôi Dolomite, Đá vôi

- CaCO3(đá vôi hoặc vỏ sò, hàu nghiền nhỏ) để cải thiện chất lượng nước và đáy ao

- Thường xuyên bổ sung Vitamine và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Nếu dùng thức ăn tươi: thức ăn phải tươi sạch và nấu chín. (nên hạn chế dùng thức ăn tươi)

- Kiểm tra chất lượng nước và đất  thường xuyên để điều chỉnh thích hợp

- Nên dùng lưới rào xung quanh ao để ngăn các loài giáp xác tự nhiên xâm nhập vào ao nuôi.

- Khi trong vùng nuôi có hiện tượng dịch bệnh các hộ nuôi không nên lấy nước bên ngoài vào ao nuôi.

8. Xử lý bệnh

- Khi phát hiện bệnh đã xảy ra trong ao nuôi nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay.

- Đóng chặt cống cấp, thoát để hạn chế lây lan theo nguồn nước sang ao khác.

- Nước ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng phải xử lý bằng Chlorin với liều lượng 30 - 50 kg/1.000m3 sau 15 ngày mới xả bỏ tránh lây lan sang các ao và vùng nuôi lân cận.

- Vớt hết tôm chết ra khỏi ao trước khi xử lý ao để nuôi lại, xác tôm chết nên chôn với vôi hoặc đốt không được vất tuỳ tiện làm lây nhiễm vào nguồn nước.

9. Cải tạo ao nuôi tôm sau khi bị bệnh đốm trắng

- Cải tạo ao nuôi tôm đã bị bệnh đốm trắng cần tiến hành kỹ lưỡng do virut có thể tồn tại trong các ký chủ như: cua, ốc, ghẹ, còng... có trong ao nuôi.

- Các bước cải tạo, chuẩn bị ao:

+ Khi tôm bị bệnh đốm trắng cần vớt tôm chết ra khỏi ao để tiêu huỷ, vệ sinh các dụng cụ nuôi bằng Chlorine.

+ Khử trùng nước bằng Chlorin với liều lượng 30 - 50 kg/1.000m3. Sau khi tháo nước, nạo vét bùn, phơi ao 1 tháng.

+ Dùng vôi để khử trùng bờ, mặt đáy ao hoặc có thể cày lật với vôi.

- Chuẩn bị nước: Nước được bơm vào ao qua hệ thống túi lọc để hạn chế cá, cua, các loại tôm khác vào ao, phải được lắng lọc kỹ, tốt nhất là nước đã được xử lý ở ao chứa lắng (có thể dùng Thuốc diệt giáp xác để diệt tất cả các sinh vật mang virus như tôm tạp, cua, còng... ) nước sau xử lý thuốc diệt giáp xác phải để sau 15 ngày mới tiến hành thả tôm.

- Ngoài ra, ao nuôi tôm sau khi bệnh đốm trắng có thể không nên thả tôm nuôi tiếp mà nên tiến hành đóng chặt cống, thả nuôi cá Rô phi đơn tính hoặc cá Chẽm hay một số loài cá có giá trị kinh tế khác để an toàn dịch bệnh và cải thiện môi trường cho vụ nuôi năm sau.

Tags: phong ngua benh dom trang, nuoi tom, thuy san


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá lóc trong bể xi măng Nuôi cá lóc trong bể xi măng Một số vấn đề cần lưu ý để có giống tôm sú chất lượng tốt Một số vấn đề cần lưu ý để…