Quảng bá chưa hiệu quả, nông sản sạch bí đầu ra
Sau 5 năm thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, bảo đảm đầu ra cho rau an toàn (RAT), trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh đang tìm cách gỡ khó cho kênh phân phối này.
Trong ảnh: Các thành viên HTX Láng Cát (Tân Thành) đang thu hoạch RAT. Ảnh: T.Đ
Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh đã có 4 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tại xã Tân Hải, Châu Pha (huyện Tân Thành), HTX Rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền) và HTX Tiện Lợi (huyện Xuyên Mộc) được cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Xây dựng chuỗi an toàn
Cuối năm 2013, HTX sản xuất thương mại dịch vụ An Toàn - Tiện Lợi (huyện Xuyên Mộc) trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu của HTX Tiện Lợi là xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn tỉnh phục vụ người tiêu dùng.
Hiện, HTX Tiện Lợi trồng và cung cấp RAT với đủ các loại rau, củ, quả. Để bảo đảm thực phẩm an toàn, HTX quản lý chặt chẽ từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Theo ban quản trị HTX Tiện Lợi, để phát triển chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, năm 2014, HTX Tiện Lợi đã đầu tư dây chuyền sơ chế, tạm trữ RAT với quy mô 1 tấn/ngày. “Áp dụng quy trình công nghệ xử lý hiện đại, hệ thống kho bảo quản chuyên dụng mới tạo dựng được thương hiệu, tiêu thụ được sản phẩm RAT cho bà con nông dân”, bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc HTX Tiện Lợi cho biết.
Đến nay, các sản phẩm của HTX Tiện Lợi đã được người tiêu dùng đón nhận, khách hàng chủ yếu là công chức, các khu du lịch, bếp ăn tập thể, nhà trẻ. Các trang trại chăn nuôi, các HTX trồng RAT ở các huyện cũng bắt tay cung ứng sản phẩm sạch cho HTX.
Từ năm 2014, THT sản xuất RAT thôn Láng Cát (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) đăng ký tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với diện tích 3,6ha, trồng rau mồng tơi, dền, cải... Để có rau sạch, mỗi thành viên đều xây dựng nhà chứa dụng cụ, nhà chứa thuốc bảo vệ thực vật và phân bón riêng biệt, thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón vi sinh, thuốc sinh học...
Theo thống kê, tổng diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 7.600ha. Để quản lý và tổ chức sản xuất rau, Sở NNPTNT đã xây dựng dự án phát triển sản xuất rau an toàn. Trong đó, có 38 vùng đủ điều kiện để sản xuất rau theo hướng VietGAP với diện tích hơn 800ha.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Tổ trưởng THT RAT Láng Cát cho biết, từ khi thành lập đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên lấy mẫu rau kiểm tra. Kết quả, 100% sản phẩm rau của tổ hợp tác đạt chuẩn an toàn. “Theo tính toán, bình quân 1 lứa rau cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/ha. sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Mỗi năm người trồng rau có thể gieo trồng từ 9 - 10 lứa rau, lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng” - ông Hưng chia sẻ.
Kênh phân phối còn hẹp
Mỗi tháng, THT Láng Cát cung ứng cho thị trường khoảng 65.000 tấn RAT. Tuy nhiên, đến nay dù đã tham gia chuỗi thực phẩm an toàn nhưng sản phẩm của THT vẫn chưa có hệ thống phân phối riêng. Phần lớn các hộ sản xuất RAT bán cho các thương lái đến từ TP.HCM hoặc các chợ đầu mối trong tỉnh với mức tiêu thụ không ổn định. Theo ông Hưng, các hộ trồng rau trong THT mong muốn Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng thu mua, hoặc dành riêng cho tổ sản xuất rau an toàn một chỗ đứng và hỗ trợ thương hiệu chuỗi RAT.
Bà Phương cũng than thở, khó khăn hiện nay của HTX Tiện Lợi là sản phẩm sạch của HTX chưa tiêu thụ được rộng rãi trên thị trường. “Mục tiêu của HTX Tiện Lợi là xây dựng chuỗi cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho người dân toàn tỉnh. Để làm được điều này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng để mở phiên chợ nông sản sạch và phiên chợ du lịch nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản sạch của địa phương” - bà Phương cho biết.
Từ năm 2014, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tham gia “Chuỗi rau an toàn”, người trồng rau sẽ có đầu ra ổn định do có sự kết nối sản phẩm của họ với các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng; hơn nữa sản phẩm trong chuỗi được cơ quan chức năng chứng nhận sẽ tạo thương hiệu riêng trong thị trường.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cung cấp thông tin: Việc tiêu thụ sản phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” đang gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá ra thị trường. Sắp tới tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; tăng cường quảng bá sản nông nghiệp an toàn qua hoạt động du lịch…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ