Tin thủy sản Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Tác giả Nguyên Hương, ngày đăng 22/11/2016

Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Hai tháng qua, cá bớp thương phẩm liên tục rớt giá, đầu ra lại không ổn định nên nhiều hộ nuôi ở hai xã Bình Đông và Bình Thạnh huyện Bình Sơn đứng ngồi không yên. Bán cá giá rẻ thì lỗ vốn, không bán thì chẳng biết lấy đâu tiền mua thức ăn cho cá.

Trong ảnh: Giá cá mồi tăng, giá cá bớp lại hạ khiến người nuôi gặp khó - Ảnh: Nguyên Hương

Giá cá bớp giảm, cá mồi tăng

Theo chân các hộ nuôi cá bớp, tôi đến khu vực bờ chắn sóng phía sau Nhà máy đóng tàu Dung Quất, nơi người có nhiều lồng bè nuôi cá. Chị Nguyễn Thị Sương ở xã Bình Đông đang cột chiếc thúng nhỏ vào kè chắn sóng để vận chuyển mồi ra bè cho cá ăn. Giọng chị buồn thiu khi nghe tôi hỏi về chuyện nuôi cá bớp.

Chị cho biết, đầu năm 2016, 2 vợ chồng hùn vốn cùng với người em đóng 4 lồng bè rộng 70 - 75 m2 để thả nuôi 1.600 con cá bớp. Hiện, đến kỳ xuất bán nhưng giá cá chỉ còn 90.000 đồng/kg, giảm 40.000/kg so tháng trước và giảm 60.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Thế nhưng chẳng có đầu nậu nào đến mua với số lượng nhiều, gia đình phải bán nhỏ lẻ ở chợ hoặc cho các quán nhậu, mỗi ngày chỉ 4 - 5 con. Chị Sương chia sẻ, cá trong giai đoạn lớn nếu mình không bán mà giữ lại nuôi thì chi phí thức ăn cho cá không xoay xở nổi. Vào thời điểm đầu mùa đông như hiện nay, cá mồi cũng tăng lên 11.000 đồng/kg; với giá thức ăn đó, mỗi ngày ít ra cũng mất 2 triệu tiền mồi.

Là một trong những người đầu tiên nuôi cá bớp tại khu vực kè chắn sóng, anh Nguyễn Kim Đức cũng cho biết chưa lúc nào thấy cá bớp rớt giá thảm hại như lúc này. Với giá bán hạ như hiện nay, mỗi con cá tầm 7 kg, anh mất đi 200.000 đồng. Giá cá hạ nhưng ngược lại, giá cá mồi vẫn tăng, hiện ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg, khiến việc nuôi cá ngày càng khó khăn. Theo kinh nghiệm nuôi cá bớp, nếu cá bớp có giá từ 110.000/kg trở lên thì mới đủ vốn đó là chưa kể chi phí thuê mướn lao động, khấu hao lồng bè.

Không có đầu ra

Anh Lê Văn Ba, ở xã Bình Thạnh phân trần, mấy năm trước thấy nghề nuôi cá bớp đem lại hiệu quả nên gia đình cũng đầu tư vốn để nuôi. Gần 1 năm qua, gia đình thả 4 lứa với 5.000 con giống theo kiểu gối vụ. Mỗi lứa cách nhau 1 - 1,5 tháng. Đến nay, 2 lứa đầu đang bắt đầu xuất bán khoảng trên 2.000 con, trọng lượng 5 - 7 kg/con; thế nhưng không có người mua. Với lượng cá trên, mỗi ngày cá ăn hết 3 tạ cá mồi chi phí hết 3,3 triệu đồng. Đó là gia đình cho ăn cầm chừng chứ nếu nuôi đúng sức thì phải cho ăn khoảng 4,5 tạ thức ăn.

Hiện nay, tại khu vực kè chắn sóng Nhà máy đóng tàu và vùng cửa Sa Cần có khoảng 30 hộ dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thạnh theo nghề nuôi cá bớp. Hộ nuôi ít thì 1.000 con, hộ nhiều trên 6.000 con. Theo nhiều người nuôi, 2 năm trước cá bớp đem lại lợi nhuận khá cao, bình quân hộ nuôi 2 - 3 lồng, sau khi trừ chi phí cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Vì vậy, nhiều hộ từng nuôi cá mú, cá dìa thì năm nay đổ xô sang nuôi cá bớp. Việc nuôi cá bớp mang tính tự phát, ồ ạt đã khiến cung vượt cầu nên không có nguồn đầu ra, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy bán làm cá bán tụt dốc không phanh.

 >> Ông Lê Tấn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn cho biết: Trước đây cá bớp tiêu thụ mạnh với giá cao, giờ thì giá cá vừa hạ, lại không có người mua. Một số hộ thấy giá cá hạ quá, tiếc không muốn bán hoặc bán cầm chừng chờ giá lên. Tuy nhiên vào mùa này, mỗi khi có mưa lớn nước đầu nguồn đổ về, cá dễ bị dịch bệnh chết nên người nuôi lo lắng.


Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho… Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam – EAEU Cá tra hưởng lợi lớn từ Việt Nam…