Tôm thẻ chân trắng Quy trình gây màu nước làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Quy trình gây màu nước làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Tác giả Ban KHKT, ngày đăng 26/02/2021

Quy trình gây màu nước làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Hỏi:  Xin hỏi quy trình gây màu nước làm thức ăn cho TTCT trong ao đất thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

(Nguyễn Thái Bình, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

Gây màu nước giúp phát triển vi sinh vật phù du, ổn định môi trường nước, tạo môi trường thuận lợi hạn chế tôm bị sốc, tăng tỷ lệ sống. Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi, gây màu nước bằng cách:

Cách 1: Gây màu nước bằng cám ủ (Thành phần: Cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày).

Bước 1: Lúc 7 – 8h sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 100 – 150 kg/1.000 m3

Bước 2: Lúc 10 – 12h trưa: Bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3. Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.

Cách 2: Gây màu nước bằng mật đường + cám gạo + bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ. Lúc 9 – 10h sáng: Bón mật rỉ đường + cám gạo + bột đậu nành đã ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày. Khi màu nước trong ao chuyển sang màu của tảo khuê (vàng hay nâu nhạt) hay màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống. Có thể gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất có uy tín để phân hủy mùn bã hữu cơ lơ lửng, xác tảo chết và tạo nguồn vi khuẩn có lợi giúp môi trường nuôi ổn định, tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt ngay từ đầu.

Hỏi: Tôi vẫn thường xuyên sử dụng men vi sinh cho ao tôm, nhưng chưa nắm rõ được những lưu ý nào để sử dụng cho hiệu quả, xin được tư vấn?

(Trần Văn Thái, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Để sử dụng men vi sinh có hiệu quả, người nuôi tôm cần chú ý một số vấn đề sau:

Về thành phần: Trong men vi sinh có 2 thành phần chủ yếu là vi khuẩn có lợi và các chất dinh dưỡng để nuôi vi khuẩn. Chúng gồm các loài như: Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter…; chất dinh dưỡng là các loại đường, muối canxi, muối magie…

Về hình thức: Men vi sinh có 2 dạng, dạng nước và dạng bột (hay dạng viên). Thông thường men vi sinh dạng bột có chứa thành phần vi khuẩn có lợi cao hơn so với dạng nước.

Về chủng loại: Men vi sinh có 2 loại, loại dùng để xử lý môi trường (loài vi khuẩn chủ yếu là Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter…) và loại trộn vào thức ăn cho tôm, cá (loài vi khuẩn chủ yếu là Lactobacillus, các loại enzyme…).

Có 2 cách sử dụng men vi sinh trong nuôi thủy sản: Đưa trực tiếp vào nước để vi khuẩn men vi sinh lưu trú trong nước; hoặc trộn men vi sinh vào thức ăn.


Những điều cần biết về EMS trong nuôi tôm Những điều cần biết về EMS trong nuôi… Bệnh đường ruột trên tôm và biện pháp xử lý triệt để Bệnh đường ruột trên tôm và biện pháp…