Mô hình kinh tế Quýt đường Hòa An

Quýt đường Hòa An

Ngày đăng 13/04/2015

Quýt đường Hòa An

Anh Nguyễn Văn Nghiệp (ấp Bình Thạnh 2) là một trong những người đầu tiên có công trong việc đem cây quýt đường về xã Hòa An trồng. Anh cho biết, năm 2012, qua tìm hiểu thông tin thị trường, anh mạnh dạn chuyển 1,5 héc-ta đất vườn trồng mận An Phước sang trồng cây quýt đường.

Được gia đình ủng hộ, anh bắt tay vào cải tạo đất, rồi cất công đến tận tỉnh Bến Tre mua về 1.500 cây quýt đường trồng trên mảnh vườn của mình. Theo anh Nghiệp, quýt đường là loại cây cho năng suất cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên giá cả tương đối cao và ổn định. Theo dõi thị trường những năm qua, giá quýt đường bán trong dịp Tết thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg (bán xô) nên nông dân ít lo bị lỗ.

Tâm huyết với vườn quýt của mình, anh Nghiệp chăm sóc thật kỹ, nhờ kỹ sư hướng dẫn thêm kỹ thuật nên sau 2 năm, quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên, lợi nhuận đến 60% tổng doanh thu, mang về cho gia đình gần 400 triệu đồng. “Khác với quýt hồng chỉ thu hoạch 1 vụ/năm vào dịp Tết Nguyên đán, quýt đường cho trái quanh năm, lại dễ trồng và rủi ro thấp.

Theo anh Nghiệp, quýt đường là loại cây có múi, nhiều sâu bệnh như bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, bệnh nấm trên lá, thân… Nếu muốn tránh rủi ro thì người làm vườn cần thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại để kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây phát triển tốt. Điều quan trọng nữa là cỏ giữ ẩm cho đất rất tốt và chống xói mòn mùa mưa nên người trồng quýt không cần làm quá sạch vườn và phun thuốc diệt cỏ nhiều sẽ có hại cho quá trình phát triển của cây.

Thành công với giống cây mới, nhớ lại khoảng thời gian trước anh Nghiệp càng thấm thía: Muốn làm giàu quả thật không dễ! Anh nghiệm ra, siêng làm, không sợ thất bại, kiên trì nhưng cũng phải hiểu biết và chọn đúng cây, đúng giống thì mới gặt được thành quả. Trước đây, anh trồng lúa không hiệu quả thì chuyển sang trồng táo, bỏ táo anh lại trồng sầu riêng.

Năm 2000, do lũ cuốn trôi hết vườn cây ăn quả, anh trồng nhãn xuồng cơm vàng để khởi nghiệp lại từ đầu. Nhưng, lũ lớn vẫn tiếp tục trong những năm tiếp theo nên anh đành bỏ nhãn trồng mận An Phước. Không thành công, nợ nần đeo đẳng, năm 2004 anh lập vườn sinh thái, rồi tiếp tục… thất bại.

Quyết không cam chịu cảnh nghèo và nản chí trước khó khăn, anh Nghiệp cất công đi nhiều nơi tìm hiểu, tham khảo mô hình mới, cuối cùng mới tìm được cây quýt đường thích hợp với thổ nhưỡng quê mình.

Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới đánh giá: Quýt đường tuy là loại cây trồng mới, chỉ tập trung trồng ở huyện Chợ Mới vài chục héc-ta, chưa phát triển rộng diện tích nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, để tránh lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá” như cây lúa hoặc những loại cây trồng khác, huyện sẽ quy hoạch định hướng phát triển diện tích cây quýt đường phù hợp nhằm không để cung vượt cầu.


Vĩnh Long triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng Vĩnh Long triển khai kế hoạch thực hiện… Nhãn Idor không lo ế Nhãn Idor không lo ế