Mô hình kinh tế Rải vụ hướng đi triển vọng cho ngành hàng xoài vùng đồng bằng sông Cửu Long

Rải vụ hướng đi triển vọng cho ngành hàng xoài vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng 25/07/2015

Rải vụ hướng đi triển vọng cho ngành hàng xoài vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá và nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chọn cây xoài là 1 trong 5 loại cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL để thực hiện thí điểm mô hình rải vụ. Theo đó, trong năm 2014, ĐBSCL thực hiện rải vụ thí điểm 4.610ha ở các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ với tổng sản lượng 54.182 tấn/năm.

Phó Cục Trưởng Cục trồng trọt Phạm Văn Dư nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện rải vụ trong canh tác xoài là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tuy nhiên cần phải có định hướng sản xuất dựa trên cơ sở thị trường. Các tỉnh trong khu vực ĐBSCL phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra kế hoạch rải vụ hợp lý. Đồng thời cần phải cải thiện mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà vườn trong quá trình tiêu thụ... Có như vậy thì việc thực hiện sản xuất rải vụ trên cây xoài ở vùng ĐBSCL mới khả thi, góp phần xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài mang tính bền vững”.

Trong quá trình thực hiện rải vụ, các tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là ở từng địa phương vẫn chưa có kế hoạch rải vụ xoài rõ ràng, vì vậy việc liên kết sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ chưa đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn khi thực hiện rải vụ. Ngoài ra, do chưa có một quy trình thống nhất về kỹ thuật sản xuất rải vụ phù hợp cho từng tỉnh, nên kết quả đạt được còn rất hạn chế...

Tiến sĩ Trần Văn Hâu - Giảng viên chính bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ phân tích: “Để việc thực hiện rải vụ ở ĐBSCL được hiệu quả cần phải sản xuất theo cơ chế của thị trường để từ đó có sự phân chia lịch rải vụ ở các địa phương. Theo tôi nếu thực hiện lịch rải vụ ở miền Nam thì có thể phân chia thành 2 vùng chuyên canh lớn là vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình canh tác, xử lý ra hoa, quản lý dịch bệnh, sử dụng phân bón... Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất khẩu và chế biến xoài nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tăng giá trị gia tăng cho người nông dân”.

Là một trong những tỉnh có diện tích chuyên canh xoài lớn nhất ĐBSCL, Đồng Tháp sớm xác định xoài là một trong những loại cây trồng chủ lực được ưu tiên đưa vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Song song với việc bố trí lịch rải vụ, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của trái xoài như: tập trung thực hiện sản xuất xoài theo hướng an toàn; nhiều diện tích được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài cho biết: “Hiện tại, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để hoàn thiện các chuỗi giá trị trong ngành hàng xoài, trong đó việc bố trí lại sản xuất, thực hiện rải vụ, sản xuất theo hướng an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa các sản phẩm sau thu hoạch... đang được tỉnh thực hiện. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến nông hỗ trợ nông dân sản xuất nghịch vụ, nhất là trong những tháng 6,7,8 nhằm đảm bảo duy trì sản lượng xoài quanh năm”.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 9, Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản để đưa sản phẩm xoài của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Và đặc biệt đến cuối năm 2015, sản phẩm xoài của Đồng Tháp sẽ được xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, sản phẩm xoài của Đồng Tháp đang được các đối tác nước ngoài đánh giá cao, hiện đang có nhiều đơn đặt hàng của Hàn Quốc, Trung Quốc, Newzelan, Nhật Bản...


Cây dưa hấu ưa phân bón Phú Mỹ Cây dưa hấu ưa phân bón Phú Mỹ Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu…