Mô hình kinh tế Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó

Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó

Ngày đăng 24/04/2014

Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó

Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Thời gian đầu, được sự hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật của các ngành chuyên môn nên việc sản xuất rau an toàn của bà con đi vào quy củ và khá hiệu quả. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, sản phẩm của đơn vị đã không thể cạnh tranh được với các sản phẩm thông thường trên thị trường, khiến sản xuất lâm vào cảnh khó khăn.

Theo ông Vũ Thế Hiện, tổ viên Tổ hợp tác rau an toàn xã Tâm Thắng thì hiện nay lượng rau xanh từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đắk Lắk nhập vào địa phương với khối lượng khá lớn và đa dạng sản phẩm các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, súp lơ...

Trong khi đó, các hộ trồng rau an toàn của tổ chỉ sản xuất được các loại rau ăn thường như cải xanh, xà lách, bồ ngót… Còn về khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, địa phương cũng đã bố trí cho Tổ hợp tác rau an toàn một sạp bán hàng tại chợ thị trấn Ea T’ling và được trang trí bảng hiệu, nhân viên bán hàng bài bản, nhưng vẫn không thu hút được người mua.

Theo ông Nguyễn Nam Cường, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Tâm Thắng thì do vị trí cửa hàng bán rau nằm sâu trong khuôn viên chợ lại chen lẫn giữa các sạp hàng bán thịt, cá nên gây khó khăn cho việc thu hút người mua rau xanh.

Mặt khác, giá bán rau an toàn bao giờ cũng cao hơn rau thông thường, nên khi mới thành lập, Tổ hợp tác cũng hướng đến số lượng khách hàng tiềm năng là đội ngũ cán bộ công chức của huyện, các trường học bán trú, các bếp ăn tập thể khu công nghiệp Tâm Thắng… nhưng hầu như các khách hàng này đều không mặn mà với rau an toàn tại địa phương.

Đơn cử, ngay trong khu vực sản xuất rau an toàn của thôn 4 có đến 2 trường mầm non bán trú, hàng ngày tiêu thụ một lượng rau rất lớn, nhưng chưa bao giờ sử dụng rau của Tổ hợp tác. Trước khó khăn trong sản xuất, một số tổ viên đã chuyển đổi đất trồng rau sang trồng cỏ để nuôi bò.

Thực trạng này cho thấy, nếu như nhận thức của người tiêu dùng chưa có sự thay đổi thì việc sản xuất rau an toàn khó tồn tại do kém hiệu quả.


Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ Đông Xuân Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ… Đắk N’Drót, Nhiều Hộ Đồng Bào Làm Kinh Tế Giỏi Đắk N’Drót, Nhiều Hộ Đồng Bào Làm Kinh…