Mô hình kinh tế Rau an toàn Tứ Xã hướng đi chưa bền vững

Rau an toàn Tứ Xã hướng đi chưa bền vững

Ngày đăng 29/06/2015

Rau an toàn Tứ Xã hướng đi chưa bền vững

Mục đích của mô hình nhằm thay đổi tập quán trồng rau của bà con, tuân thủ các quy trình kỹ thuật của sản xuất RAT và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Hiện cả xã có 50 hộ trồng RAT với tổng diện tích 3ha, theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích này lên quy mô 20ha.

Thế nhưng đến nay đầu ra cho các sản phẩm RAT đã trở thành điều đáng trăn trở nhất. Do chưa có tem, nhãn mác chứng nhận bảo hộ, chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm RAT Tứ Xã chưa chen chân được vào siêu thị, chưa có cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm làm ra người dân vẫn phải tự đi tiêu thụ hoặc hợp đồng với thương lái, giá rau phụ thuộc vào giá thị trường, rau sạch vẫn đang bị đánh đồng với rau sản xuất theo kiểu truyền thống, giá bán ra không chênh lệch nhau.

Trong khi đó, tuân thủ các quy trình kỹ thuật, việc đầu tư sức lao động vào canh tác so với cách truyền thống sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng rau của các hộ hầu hết đều thuộc dạng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ vài thước đến vài sào nên chưa có sự đầu tư đồng bộ. Các hộ trồng rau đa phần mang tính tự phát, theo tập quán sản xuất nên vào mùa chính vụ thì trồng chuyên một vài loại rau dễ dẫn đến ế thừa, rớt giá trong khi các loại rau cao cấp khác, đòi hỏi giống tốt lại không có.

Sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường do vậy các hộ dân không mạnh dạn đầu tư vào RAT bởi nếu được giá thì có thể cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần trồng lúa, nhưng nếu ế đọng thì rau có khi phải “đắp bờ”. Ông Hoàng Chí Khanh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng Thạch Vỹ, xã Tứ Xã cho biết: “Một thực tế cho thấy rằng thời gian trồng rau ngắn nên có thể luân canh được nhiều vụ, nếu so sánh về lợi nhuận thì trồng rau cho hiệu quả kinh tế khá cao. Các loại rau, củ, quả mùa nào thứ ấy, được canh tác quanh năm. Nhưng RAT của Tứ Xã nếu chuyên về một vài loại thì đủ đáp ứng đủ cho thị trường lớn nhưng nếu nhiều loại thì không đủ. Các hộ đa số tập trung vào vài loại rau truyền thống nên giá trị hàng hóa cũng chưa cao”.

Một khó khăn nữa trong sản xuất RAT tại Tứ Xã đó là các hộ trồng rau tuy được phổ biến quy trình kỹ thuật chăm sóc rau nhưng việc thực hiện đúng theo chuẩn không dễ thực hiện được. Cái thiếu và yếu nhất của người dân là kỹ thuật, tuy được phổ biến kiến thức về trồng RAT nhưng nhiều hộ vẫn chăm sóc rau theo tập quán truyền thống. Việc tuân thủ các quy định của RAT phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân còn trong hoạt động sản xuất vẫn chưa có người giám sát. Chính vì vậy sản phẩm RAT khó có thể vươn ra thị trường khó tính.

Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng Thạch Vỹ không giấu nổi băn khoăn khi vừa qua có công ty của Nhật Bản đến tìm hiểu về mô hình trồng rau của HTX để tiến tới liên kết đặt hàng sản xuất rau phục vụ xuất khẩu. Đây là cơ hội để tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nhưng vấn đề đặt ra là trình độ kỹ thuật và việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn trồng RAT không dễ đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định, quy mô còn nhỏ, xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là chất lượng. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe, lợi thế là giá rau được nâng lên nhưng nếu không tuân thủ quy định về chất lượng thì rủi ro là rất lớn.

Sản xuất gắn với thị trường bền vững và đảm bảo chất lượng cũng như các yếu tố kỹ thuật trong chăm sóc RAT là yêu cầu cần thiết trong nông nghiệp. Giải quyết được điều này, cơ hội phát triển RAT theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tại Tứ Xã mới có thể tháo gỡ khó khăn và mới có thể thành công.


Liên kết sản xuất lúa giống hàng xóa ở Duy Xuyên nông dân điêu đứng Liên kết sản xuất lúa giống hàng xóa… Tìm đầu ra cho hạt gạo Tìm đầu ra cho hạt gạo