Mô hình kinh tế Rừng dẻ Lục Nam

Rừng dẻ Lục Nam

Ngày đăng 03/10/2015

Rừng dẻ Lục Nam

Ngoài mang lại nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ dân, rừng còn tạo nguồn sinh thủy dồi dào...

Lộc rừng

Cùng cán bộ xã Trường Sơn, chúng tôi đến Điếm Rén, thôn có hơn 50 ha rừng dẻ.

Những vạt rừng xanh ngút ngàn nối tiếp nhau khiến không khí nơi đây thật trong lành, mát mẻ xua tan cái nắng nóng oi bức.

Dưới tán rừng, cây dẻ non màu xanh lá mạ mọc tua tủa do hạt rụng còn sót lại từ vụ trước.

Ông Nguyễn Bá Dũng, người dân trong thôn giữ lại vài cây con ở nơi dẻ chưa khép tán để chúng sinh sôi.

Ông cũng không nhớ rõ khu rừng có từ bao giờ nhưng nhận chăm sóc, bảo vệ đến nay đã được hơn 30 năm. Đường kính cây to khoảng 30 cm, cây nhỏ từ 15 - 20 cm.

Theo kinh nghiệm của ông Dũng thì năm nay dẻ được mùa. Ngoài cây dẻ cổ thụ thì cây dẻ mới tái sinh cũng cho quả.

Dự kiến gia đình ông thu được khoảng 30 triệu đồng từ hạt dẻ trong vụ này. 

Đông nhân lực nên gia đình ông Nguyễn Tiến Đạt (cùng thôn) mấy năm gần đây thu được 40 triệu đồng với hơn 2 ha dẻ.

Dẻ chín không tập trung nên phải thu hoạch thủ công.

Ông Đạt nói:

“Năm ngoái, có ngày cả nhà tôi nhặt được 50 kg hạt dẻ. Công việc không nặng nhọc, người già, trẻ nhỏ đều làm được thế nhưng phải tốn công, tỉ mỉ sàng sảy loại bỏ tạp chất thì mới bán được”. 

Mùa dẻ chín kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch. Vào mùa, từ sáng sớm, nhà nhà trong thôn mang theo cơm nắm lên rừng quét, nhặt hạt dẻ đến xế chiều lại đồng loạt xuống núi.

Sản phẩm được thương nhân ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh thu mua tại chỗ, có đến đâu bán hết đến đó. Đầu vụ, giá 50 nghìn đồng/kg hạt dẻ, giữa vụ 25 - 30 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Với diện tích hơn 160 ha, mỗi năm thu từ hạt dẻ toàn xã đạt hơn 2 tỷ đồng. Nhờ vậy nhiều gia đình có của ăn, của để làm giàu từ rừng”. 

Cùng với Trường Sơn, xã Nghĩa Phương, Lục Sơn, Huyền Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh, người dân cũng có nguồn thu đáng kể từ rừng dẻ. Tại xã Nghĩa Phương mỗi năm người dân thu khoảng 4 tỷ đồng từ hơn 600 ha rừng dẻ.

Điển hình là hộ ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quýnh năm 2014 thu 50 triệu đồng nhờ bán hạt dẻ. Xã Lục Sơn có diện tích ít hơn nhưng thu nhập cũng đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, huyện sẽ chỉ đạo tập trung cải thiện chất lượng gần 1,5 nghìn ha rừng hiện có bằng cách điều chỉnh mật độ, đầu tư chăm sóc, bảo vệ; trồng mới gần 200 ha; thí điểm một số sản phẩm chế biến từ hạt dẻ phục vụ người tiêu dùng tiến tới đầu tư chế biến đa dạng các sản phẩm từ hạt dẻ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng. 

Gia tăng giá trị từ rừng

Nhờ có rừng dẻ mà hàng trăm hộ có thu nhập 35 - 40 triệu đồng/vụ. Đây là nguồn lợi không nhỏ đối với bà con vùng sâu, vùng xa. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, rừng dẻ đã làm cho nguồn sinh thủy dồi dào.

Rõ nhất là hồ Khe Cát, xã Trường Sơn nước luôn đầy, trong xanh in bóng cây; con suối quanh năm chảy róc rách bảo đảm nước tưới cho hơn 100 ha lúa, hoa màu trong xã dù khô hạn kéo dài. 

Coi rừng dẻ là vốn quý, tài sản hiếm nơi nào có được, UBND huyện Lục Nam chỉ đạo giữ diện tích rừng dẻ hiện có; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng tự nhiên;

Cử cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng người dân để có hướng giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến rừng.

UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp tại các xã trồng dẻ 500 nghìn đồng/người/tháng. Sau nhiều năm thực hiện đồng bộ các biện pháp, đến nay không còn tình trạng vén rừng dẻ chuyển sang cây trồng khác như trước đây.

Để nâng cao giá trị hạt dẻ, từng bước đưa sản phẩm vào siêu thị, mang lại nguồn thu ổn định cho người trồng, năm 2014 UBND huyện Lục Nam đã thực hiện dự án xây dựng thương hiệu dẻ Lục Nam.

Dự kiến giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) trao trong tháng 11 năm nay.

Cùng với các biện pháp trên, UBND huyện Lục Nam đang lập quy hoạch vùng dẻ đến năm 2020,định hướng đến năm 2030 gồm 6 xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương, Huyền Sơn.

Đây là những xã có diện tích dẻ lấy hạt lớn và ổn định; quỹ đất để phát triển cây dẻ còn nhiều.


Phân bón Văn Điển cho cây thanh long Phân bón Văn Điển cho cây thanh long Vượt chỉ tiêu xây, lắp hầm biogas Vượt chỉ tiêu xây, lắp hầm biogas