Mô hình kinh tế Sản Xuất Giống Lươn Đồng Bằng Phương Pháp Sinh Sản Bán Nhân Tạo

Sản Xuất Giống Lươn Đồng Bằng Phương Pháp Sinh Sản Bán Nhân Tạo

Ngày đăng 15/12/2011

Sản Xuất Giống Lươn Đồng Bằng Phương Pháp Sinh Sản Bán Nhân Tạo

Trung tâm Giống thủy sản An Giang tiếp tục thực hiện dự án “Phát triển mô hình sản xuất lươn đồng” (Monopterus albus) bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo tại An Giang”, do kỹ sư Triệu Thị Y Vanne làm chủ nhiệm, thông qua Sở Khoa học - Công nghệ và được UBND tỉnh An Giang phê duyệt.

Mục tiêu trước mắt của dự án nhằm ứng dụng thành công tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất giống lươn đồng, góp phần thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất giống lươn đồng (Monopterus albus) ở các địa phương trong tỉnh, giúp nông dân chủ động sản xuất con giống chất lượng. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo cho kỹ thuật viên và ngư dân trong vùng dự án thực hiện có hiệu quả để làm nòng cốt cho việc phát triển nghề nuôi lươn, nông dân tự chủ động sản xuất con giống cho nghề nuôi lươn thương phẩm tại địa phương. Tổng sản lượng dự kiến đạt được từ dự án: Lươn bột 10.000 - 12.000 con/mô hình/hộ với tỷ lệ nở 50 - 60%, lươn hương 5.000 - 7.000 con với tỷ lệ sống 50 - 60% từ bộ - hương, lươn giống 3.500 - 4.500 con/hộ với tỷ lệ sống 60 - 70% từ hương - giống và kích cỡ giống 5 - 10 gram/con. Về lâu dài, phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng góp phần nâng cao hiệu quả của mô hình nuôi lươn thương phẩm, định hướng xuất khẩu, nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn tính đa dạng sinh học trong thủy vực tự nhiên.

Theo Chủ nhiệm đề tài Triệu Thị Y Vanne: Mô hình thực hiện tập trung tại các vùng nuôi như: Thoại Sơn, Châu Thành và TX. Tân Châu, Châu Phú. Để giúp nông dân thực hiện tốt mô hình, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và thực hành tự ứng dụng quy trình, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, nắm được các phương pháp xây dựng và xử lý có khoa học trong quá trình sản xuất giống cho gần 500 nông dân và kỹ thuật viên. Nội dung tập huấn bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật, song song giữa lý thuyết và thực hành, thông qua các mô hình ứng dụng trực tiếp: Thiết kế, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ sản xuất giống lươn đồng; các giải pháp kỹ thuật về quản lý chất lượng nước các hệ thống sản xuất trên cơ sở bảo vệ môi trường nước và phát triển bền vững hệ thống sản xuất; các giải pháp chẩn đoán và phòng trị bệnh tổng hợp lươn đồng trong quá trình nuôi sinh sản và ương lươn bột thành lươn giống.

Dự án triển khai được sự ủng hộ của địa phương và nông dân tham gia thực hiện mô hình. Sau khi tham gia tập huấn phần lý thuyết, hầu hết học viên đều thông suốt các giải pháp kỹ thuật sinh sản giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo như: Cách tuyển chọn lươn bố mẹ, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục sinh dục lươn đồng - thu và ấp trứng, kỹ thuật ương lươn giống; nhận dạng giới tính của lươn; tự bố trí mô hình sinh sản.

16 hộ nông dân đang thử nghiệm mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo với diện tích 15 m2/bể/mô hình và mật độ 15 con/m2, ở: Khánh Hòa, Ô Long Vĩ (Châu Phú), Tân An, Vĩnh Xương (TX.Tân Châu), Vĩnh Phú, Tây Phú, Vĩnh Chánh (Thoại Sơn), Vĩnh Nhuận, Vĩnh Bình, Tân Phú (Châu Thành). Dự kiến cho kết quả 64.000 con lươn hương/16 mô hình thử nghiệm. Mỗi hộ được trung tâm đầu tư kinh phí xây dựng một bể nuôi lươn bố mẹ theo quy cách bể lót bạt diện tích 15 m2, thả nuôi 15 kg lươn bố mẹ cỡ 50 - 100 gr/con; khu ấp trứng và ương lươn giống được bố trí trong khu vực riêng biệt có mái che và nhiệt độ ổn định. Mặc dù dự án vừa mới được triển khai nhưng các kết quả thu được tại một số hộ ứng dụng mô hình cho thấy khá lạc quan. Đến nay, có 11 mô hình đã thu được trứng và ương được lươn hương (cỡ 1.000 - 3.000 con/kg) với tổng lượng lươn hương đạt trên 10.000 con. Trung tâm Giống thuỷ sản An Giang còn chủ động chọn lựa các hộ ứng dụng thành công quy trình sản xuất giống làm vệ tinh cho trung tâm, để cung cấp giống cho các mô hình nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.


Đẩy Mạnh Phát Triển Thủy Sản Năm 2012 Đẩy Mạnh Phát Triển Thủy Sản Năm 2012 Quản Lý Nghề Cá: Còn Nhiều Bất Cập Quản Lý Nghề Cá: Còn Nhiều Bất Cập