Mô hình kinh tế Sản Xuất Nông Nghiệp Sạch Đường Dài Còn Lắm Truân Chuyên

Sản Xuất Nông Nghiệp Sạch Đường Dài Còn Lắm Truân Chuyên

Ngày đăng 07/08/2014

Sản Xuất Nông Nghiệp Sạch Đường Dài Còn Lắm Truân Chuyên

Trong những năm gần đây, việc đưa các tiêu chí sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP; HACCP... đã được ngành nông nghiệp tuyên truyền, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi nhưng trên thực tế kết quả đạt được còn rất khiêm tốn...

Cây bưởi Đoan Hùng có thể mang lại thu nhập cao hơn nữa cho người trồng bưởi khi họ thực hiện tốt các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch hướng tới việc đưa hàng vào siêu thị, xuất khẩu.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp có tiếng, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích của Phú Thọ là bưởi Đoan Hùng. Có thể nói vài năm nay là thời điểm hoàng kim của những người trồng bưởi. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến tận nơi đặt mua cả vườn.

Những nhà có bưởi mỗi năm thu lãi trước từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, chắc ăn hơn trồng lúa hoặc một số loại cây màu khác. Ông Nguyễn Ngọc Nga, xã Bằng Luân chia sẻ: “Gia đình tôi có trên 200 gốc bưởi Bằng Luân. Bưởi đến mùa thu hoạch không cần phải mang đi bán, khách hàng đến đặt mua cả vườn và tự thu hoạch, gia chủ không phải vất vả gì.

Năm nay, từ lúc bưởi còn non đã có khách hàng mua đứt cả vườn, gia đình đã có lãi hơn 200 triệu đồng”. Khi chúng tôi hỏi ông về vấn đề thực hiện VietGAP trong chăm sóc, ông nói: “Tôi cũng nghe nói đến nhưng thấy chưa cần thực hiện vì bưởi vừa bằng cái chén uống nước đã có người đặt mua. Thêm VietGAP liệu có tăng được giá?”.

Suy nghĩ như ông Nga trong những người trồng bưởi ở Đoan Hùng không phải hiếm. Vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch như VietGAP ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Song Toàn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đoan Hùng lý giải: “Chúng tôi cũng phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tuyên truyền, hướng dẫn người trồng bưởi thực hiện VietGAP nhưng họ khá thờ ơ.

Nguyên nhân chính là bưởi bán tốt, ít phải sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách ly khi phun thuốc lại khá dài nên người dân không muốn áp dụng. Tuy nhiên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện để khuyến cáo bà con nên thực hiện tốt quy trình này, để hướng tới mục tiêu đưa bưởi Đoan Hùng vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn, thậm chí xuất khẩu”.

Những thương hiệu bưởi nổi tiếng trong nước như Năm Roi, Phúc Trạch... và nhiều loại cây ăn quả khác đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất từ lâu.

Sản phẩm của họ đã chen chân được vào các siêu thị lớn, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, đứng ngang hàng với nhiều loại hoa quả của các quốc gia, mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho địa phương mỗi năm.

Đoan Hùng đã xác định bưởi là một trong những loại cây kinh tế trọng điểm, tiếp tục mở rộng diện tích trồng và hướng tới mục tiêu xuất khẩu thì việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch là yêu cầu bắt buộc.

Trái ngược với bưởi Đoan Hùng, người trồng bưởi chưa muốn làm VietGAP vì vẫn bán được, thì các sản phẩm nông nghiệp khác như rau xanh, chè, chăn nuôi... người dân lại không muốn làm vì giá thấp. Đơn cử như cây chè, với hơn 16.000ha chè Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích và năng suất chè cao trong cả nước, là loại cây được coi là cây “thoát nghèo” cho hàng ngàn hộ nông dân.

Việc tuyên truyền, áp dụng các tiêu chuẩn như GAP, HACCP đã được thực hiện từ lâu nhưng kết quả thì vô cùng nhỏ bé. Đó là còn nhiều doanh nghiệp như Công ty chè Phú Bền, Phú Đa... cũng đã yêu cầu các hộ trồng chè phải thực hiện nghiêm chỉnh việc sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách ly...

Việc người trồng chè không muốn áp dụng các tiêu chuẩn trên, cũng như mạnh dạn đầu tư thâm canh là vì giá chè nguyên liệu không ổn định, bấp bênh. Thời điểm được giá họ sẵn sàng phun các loại thuốc kích thích để nhanh thu hoạch, đề phòng rớt giá.

Cũng như chè, sản xuất rau an toàn cũng là vấn đề được dư luận quan tâm trong những năm gần đây. Hiện nay, hầu như các huyện, thành phố, thị xã cũng đã quy hoạch, đưa vào sản xuất một số vùng trồng rau tập trung để dễ quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật...

Thế nhưng, ngoại trừ vùng rau an toàn Tân Đức (thành phố Việt Trì) là nơi đã  tiến hành nhiều năm dưới sự hướng dẫn của Chi cục BVTV, tổ chức Veco, thì các vùng vốn nổi tiếng về trồng rau như An Đạo (huyện Phù Ninh), Trường Thịnh, Văn Lung (thị xã Phú Thọ) việc này lại rất...  bấp bênh, trồng xong lại bỏ.

Lý giải cho về điều này, bà Chu Thị Sang, một hộ đang làm rau an toàn ở xã Văn Lung cho hay: “Nguyên nhân là do sản xuất theo quy trình VietGAP đòi hỏi yêu cầu khắt khe, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch...

Với rau VietGAP, bà con nông dân mất nhiều công sức hơn, chi phí cũng tăng từ 10 - 15% so với bình thường nhưng giá bán lại chỉ ở mức tương đương, đầu ra của sản phẩm bế tắc. Hiện nay, người dân chủ yếu tự tiêu thụ sản phẩm là chính nên không mấy mặn mà với mô hình này. Ngoài ra, còn một  lý do khác nữa là người dân chưa hiểu đúng về sản xuất rau an toàn”.

Bên cạnh rau quả, đối với các sản phẩm khác như chăn nuôi, thủy sản cũng rất khó để người sản xuất áp dụng các phương pháp thực hành nông nghiệp an toàn. Theo nhiều hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô vừa và lớn thì nếu thực hiện đúng thời gian cách ly thì họ chỉ có lỗ khi mà hiện nay giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh ngày một tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại thấp.

Do đó, để phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP cần phải chú trọng nhiều hơn đến giải quyết vấn đề thị trường, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật.

Và để tạo lập được một thị trường tiêu thụ ổn định, có lợi cho người sản xuất cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng, người sản xuất, tránh tình trạng nhập nhằng, lập lờ giữa sản phẩm sạch và không sạch, mất niềm tin của người tiêu dùng.


Trị Bệnh Cho Cây Chuối Trị Bệnh Cho Cây Chuối Thanh Sơn Gắn Bảo Vệ Với Phát Triển Rừng Thanh Sơn Gắn Bảo Vệ Với Phát Triển…