Sản Xuất Nông Nghiệp Theo Hướng Hiện Đại
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, huyện Cao Lãnh bước đầu hình thành vùng chuyên canh, nâng cao năng suất và chất lượng.
Thời gian qua, huyện Cao Lãnh đẩy mạnh đầu tư khai thác các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa, xoài, thủy sản, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua là thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Đối với cây lúa, trong năm 2014, đạt về chất và lượng với năng suất bình quân 66 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2011. Trong đó, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 70%. Qua 3 năm thực hiện liên kết, huyện đã ký hợp đồng với doanh nghiệp gần 5.500ha, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ được 2.300ha.
Đối với cây ăn trái, sản phẩm không còn gói gọn trong thị trường truyền thống mà đã gõ cửa được các thị trường nước ngoài.
Theo thống kê, diện tích cây ăn trái toàn huyện là 5.300ha, với nhiều loại cây trồng có giá trị cao: xoài, nhãn, chanh... Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một khắc khe, huyện hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với các trường chuyên môn, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng VietGAP và GlobalGAP.
Bên cạnh đó, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện cho sản phẩm đặc thù của huyện được quảng bá đến người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm “Xoài Cao Lãnh” và “Xoài cát Chu Cao Lãnh” được cấp mã số vùng trồng để xuất sang thị trường NewZeland với diện tích trên 33ha của Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương.
Theo ông Trần Long Châu, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, thời gian qua HTX đã chủ động mở được 2 đại lý bán lẻ tiêu thụ xoài cát Chu ở Hà Nội và xoài cát Hòa Lộc ở TP.Hồ Chí Minh, đồng thời, xuất khẩu thông qua một số công ty, với đơn đặt hàng từ 100 - 200 tấn/tháng.
Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí, huyện đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm giống đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Toàn huyện hiện có 275 máy gặt đập liên hợp, tăng 70 máy so với năm 2011; 53 lò sấy lúa đáp ứng nhu cầu sấy cho 80% sản lượng lúa của huyện, góp phần vào việc giảm thất thoát, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Nguyễn Minh Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho hay: “Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại đã mở ra những hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Đặc biệt là mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ tạo được thu nhập ổn định cho người nông dân.”
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư khai thác các sản phẩm chủ lực theo chiều sâu gắn với tiêu thụ nhằm giúp cho bà con nông dân sản xuất bền vững, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, huyện chú ý hơn đối với việc thu hút doanh nghiệp đến khai thác, liên kết. Ngoài ra, xây dựng các hợp tác xã mạnh, làm đầu mối liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp gắn với việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm đặc thù...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ