Mô hình kinh tế Sản Xuất Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao Ỡ An Phú

Sản Xuất Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao Ỡ An Phú

Ngày đăng 24/03/2013

Sản Xuất Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao Ỡ An Phú

An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đó, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, trong đó huyện An Phú được chọn thí điểm 2 mô hình ở xã Phú Hữu và Khánh An.

Theo Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện An Phú, mỗi năm, huyện An Phú trồng trên 7.400 héc-ta rau màu các loại với sản lượng trên 50.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu sang Campuchia.

Để triển khai mô hình sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, huyện chọn xã Khánh An và Phú Hữu để thực nghiệm, khi có điều kiện thuận lợi thì triển khai mở rộng diện tích trên các địa bàn khác trong huyện…

Tiêu biểu là mô hình ở xã Khánh An do Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ (đã xong đề án, chuẩn bị trình hội đồng thẩm định); mô hình ở xã Phú Hữu do DNTN Thủ Tuyền đầu tư xây dựng nhà lưới, nông dân xã Phú Hữu hỗ trợ mặt bằng xây dựng nhà lưới, Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật thiết kế nhà lưới.

Đến nay, nhà lưới ở Phú Hữu đã lắp đặt xong, có diện tích 1.056m2 đang chuẩn bị lắp hệ thống tưới, với tổng kinh phí 348 triệu đồng. Ông Trương Chí Thông, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, do đây là mô hình hoàn toàn mới nên sẽ mời chuyên gia về hỗ trợ cho địa phương.

Về ưu điểm so với trồng tự nhiên ngoài trời, nhà lưới ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều loại côn trùng nên hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Nhờ các loại thiết kế khác nhau của nhà lưới, cây cối được bảo vệ chống lại mọi thời tiết bất lợi như nắng, mưa, gió, bão.

Vì vậy có thể tổ chức sản xuất quanh năm, trái vụ theo kế hoạch và theo nhu cầu của thị trường. Trong nhà lưới giúp cây sinh trưởng phát triển nhanh, thu hoạch sớm hơn bên ngoài 10- 15% thời gian; nhờ chủ động cải tiến kỹ thuật canh tác nên năng suất tăng hơn 20- 30% so bên ngoài.

Đặc biệt không gian được khống chế và kiểm soát nên có điều kiện thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nên rau quả an toàn, đạt dưới ngưỡng cho phép các tiêu chuẩn quốc tế về dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng Nitrat, hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh; tăng phẩm chất, mẫu mã đẹp, màu sắc tươi thắm.

Nhờ đạt tiêu chuẩn rau sạch, nhờ trồng trái vụ, nhờ mẫu mã đẹp, phẩm chất ngon và ổn định, nên giá cả sản phẩm trồng trong nhà lưới cao hơn bên ngoài.

Tuy nhiên, có một số hạn chế trong việc ứng dụng mô hình sản xuất này là chi phí đầu tư ban đầu lớn, giá thành sản phẩm những năm đầu cao hơn sản xuất ngoài nhà lưới.

Bên cạnh, ức chế sinh trưởng do nhiệt độ tăng cao hơn bên ngoài (3-5oC) vào buổi trưa trong mùa nóng ở điều kiện khí hậu đồng bằng sông Cửu Long nếu nhà lưới không đủ độ cao, độ thông thoáng. Việc xây dựng nhà lưới ứng dụng công nghệ cao là sản phẩm mới nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật trồng rau màu…

Theo Phòng NN-PTNT huyện An Phú, sẽ phối hợp các chuyên gia nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tổ chức tập huấn cho cán bộ Khuyến nông và nông dân về về các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao.

Với diện tích nhà lưới hơn 1.000m2 ở xã Phú Hữu sẽ được bố trí trồng các loại cà chua, dưa lê, rau ăn lá với chất lượng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo đó, đối với cà chua bi và trái lớn: Vườn ươm cây giống ghép khoảng 100m2 làm vườn ươm cây con và đây cũng là chỗ để thực hành ghép cây và bảo dưỡng cây ghép. Ngoài ra, khu vực trồng cây ghép rộng 400m2. Khu vực trồng dưa lê khoảng 300m2, rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, xà lách…) khoảng 200m2.

Quá trình thực hiện, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cần Thơ và cán bộ kỹ thuật sẽ giám sát trong suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Cuối cùng, thu thập số liệu trong toàn vụ sản xuất để lấy thông tin phân tích.

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú, mà còn là chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh An Giang.

Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.


Mô Hình Vượt Khó Vươn Lên Của Anh Nguyễn Thái Ngọc Mô Hình Vượt Khó Vươn Lên Của Anh… Phát Triển Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Dê Núi Ở Lạng Sơn Phát Triển Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi…