Mô hình kinh tế Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Chủ Động Đầu Vào

Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Chủ Động Đầu Vào

Ngày đăng 11/09/2014

Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Chủ Động Đầu Vào

Việc tham gia TPP kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như cơ hội cho ngành nông nghiệp nhưng lại là thách thức đối với ngành chăn nuôi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TACN& NL) của Việt Nam tháng 8/2014 đạt 320 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 8 tháng đầu năm, ước đạt 2,243 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Tiềm năng thị trường TACN của Việt Nam được đánh giá là rất lớn, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu, song nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất TACN.

Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khô dầu, đậu tương, ngô, sắn, bột cá... và với xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 19,8 tỷ USD, trong khi đó, phải mất tới 3 tỷ USD nhập khẩu TACN, dự kiến năm nay con số này có thể lên tới trên 4 tỷ USD.

Hiệp hội TACN Việt Nam cho rằng, chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc phát triển cây trồng cung cấp cho chế biến TACN. Thực tế ở các địa phương, việc phát triển các loại cây này chưa hiệu quả, nông dân vẫn trồng theo hướng tự phát.

Có một nghịch lý là, người nông dân phải bán nông sản cho các công ty liên doanh chế biến TACN với giá rẻ để rồi lại phải mua thành phẩm với giá đắt từ chính các công ty này. Điều này khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam nhiều năm nay vẫn loay hoay không phát triển được.

Để hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng TACN sản xuất công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia tăng từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương có biện pháp quản lý giá mặt hàng TACN sản xuất trong nước và nhập khẩu theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng. Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ liên quan ban hành quy định về tiêu chuẩn chất lượng các mặt hàng TACN, có biện pháp bảo hộ hợp lý sản xuất TACN trong nước.

Tuy nhiên, đó mới giải quyết một khâu trong chuỗi phát triển sản xuất TACN, điều quan trọng là Chính phủ cần có các chính sách cụ thể, ưu đãi phát triển vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp chế biến TACN phải là cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ để người trồng yên tâm sản xuất.

Mặt khác, dựa trên thế mạnh về sản xuất lúa gạo, chế biến thủy sản, cùng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguyên liệu ngô, lúa mì có thể thay được bằng sản xuất trong nước với các biện pháp như: Tăng diện tích cây trồng hoặc mạnh dạn dùng nguyên liệu để thay thế.

Các viện nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu các công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện chăn nuôi, sớm đưa cây trồng biến đổi gien vào sản xuất; khuyến khích nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như: thức ăn bổ sung, phụ gia…

Có như vậy, sản xuất TACN trong nước mới có điều kiện phát triển, ngành chăn nuôi nhờ đó mới chủ động được phần lớn khâu đầu vào, tạo sức cạnh tranh.

Chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2015, cần 18- 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và năm 2020 cần 25- 26 triệu tấn.


Chi Phí Thu Hoạch Lúa Thu Đông Tăng Cao Chi Phí Thu Hoạch Lúa Thu Đông Tăng… Việt Nam Nuôi Thành Công Đông Trùng Hạ Thảo Việt Nam Nuôi Thành Công Đông Trùng Hạ…