Tin nông nghiệp Sâu đầu đen hại dừa

Sâu đầu đen hại dừa

Tác giả Ths. Huỳnh Kim Ngọc, ngày đăng 10/05/2021

Sâu đầu đen hại dừa

Ở Việt Nam, từ năm 2020 nhiều vườn dừa ở Bến Tre, Sóc Trăng bị sâu đầu đen gây hại rất nặng.

Vườn dừa bị bệnh do sâu đầu đen. Ảnh: Kim Ngọc.

Sâu đầu đen hại dừa có nguồn gốc từ Nam Á gây hại nhiều nước trồng dừa vùng Thái Bình Dương như Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh…, vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Cambodia, Việt Nam.

Ở Việt Nam, sâu đầu đen đã từng xuất hiện ở Bến Tre, nhưng với mật độ thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng đã phát hiện nhiều nơi có vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại rất nặng.

Sâu đầu đen chỉ gây hại giai đoạn sâu non, sâu ẩn núp bên trong lá, cạp lớp biểu bì mặt dưới lá của tàu lá bên dưới, thải phân, nhả tơ, sau lan dần lên các tàu lá trên. Khác với bọ dừa (Brontispa longissima) thường gây hại những tàu lá non trên ngọn. Ngoài lá, sâu còn cạp vỏ trái. Cây dừa bị hại nặng trông xơ xác, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

Vòng đời sâu đầu đen hại dừa khoảng 2 – 3 tháng. Bướm (cái) màu xám tro, dài khoảng 10 -15 mm, sải cánh 20 -25 mm, đẻ hàng trăm trứng (50 – 500 trứng) ở mặt dưới chóp lá già trong khoảng 15 – 20 ngày. Trứng mới đẻ có màu kem sáng, sau chuyển sang màu hồng, giai đoạn ủ trứng 3-5 ngày vào mùa hè, có thể lên đến 10 ngày vào mùa đông).

Sâu non mới nở dài khoảng 1,5mm, sau lớn dần đến 15mm khi sắp hóa nhộng. Sâu non phá hại mặt dưới lá và các tàu lá bên dưới khoảng 32 - 48 ngày. Khi đẩy sức, sâu chuyển sang giai đoạn nhộng, có màu nâu. 9 đến 11 ngày sau, bướm màu xám tro thoát ra ngoài và bắt đầu chu kỳ mới.

Vòng đời của sâu đầu đen hại dừa. Đồ hoạ: Kim Ngọc.

Sâu đầu đen hại dừa có nhiều thiên địch, nhất là thiên địch ký sinh cả giai đoạn nhộng và sâu non như Apanteles taragammae, Bracon brevicomis, Elamus nephantids…, giai đoạn nhộng bị ký sinh bởi Brachymeria nephantidis, Xanthopimpla punctate… Ở Thái Lan, kiến lửa và ong ký sinh Goniozus nephantidis khống chế tốt sâu đầu đen hại dừa.

Việc phòng trừ bọ đầu đen hại dừa gặp nhiều khó khăn, kể cả bằng biện pháp hóa học do cây dừa khá cao. Loại sâu này sống ẩn núp bên trong tàu lá nên rất khó phát hiện và phòng chống sớm, sử dụng thuốc hóa học mặc dù hiệu quả cao nhưng dễ bị tái nhiễm.

Biện pháp quản lý tạm thời:

Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ, nếu phát hiện, cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá bị hại.

Bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón trong năm.

Nuôi thả kiến lửa, thiên địch ký sinh.

Nếu hại nặng, có thể phun các loại thuốc gốc sinh học như Comda Gold 5 WG, Comda 250 EC hay Saikumi 39,35 SC. Các thuốc trên có thể dùng đơn hay pha chung với dầu khoáng SK Enspray 99 EC, định kỳ 5 – 7 ngày có thể phun 1 lần. Chú ý phun nhiều nước, sao cho thuốc thấm vào sâu đang trú ẩn bên trong tàu lá. Cây không quá cao có thể bắt thang hay nối cần phun, phun kỹ vào tàu lá bị sâu hại.


Giải pháp giảm thất thoát phân bón Giải pháp giảm thất thoát phân bón Cây xoài cát ‘hồi sinh’ vùng đất cát Cây xoài cát ‘hồi sinh’ vùng đất cát