Sẽ xây dựng nhiều thương hiệu lúa gạo quốc gia
Trao đổi với NTNN, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, cho biết, tới đây sẽ xây dựng nhiều thương hiệu lúa gạo quốc gia để giải quyết tồn tại này.
Ông Trung cho biết: Hiện nước ta có khoảng 3,8-3,9 triệu ha đất trồng lúa với diện tích gieo trồng mỗi năm trên 7 triệu ha, sản xuất được 45 triệu tấn lúa mỗi năm.
Nếu cân đối với an ninh lương thực quốc gia, mỗi năm chúng ta thừa khoảng 7- 8 triệu tấn gạo.
Mặc dù lúa là cây trồng quen thuộc, diện tích lớn, năng suất cao, số lượng sản xuất lớn… nhưng giá trị đem lại chưa cao.
Đặc biệt, ở nhiều địa phương nông dân vẫn thích trồng giống lúa chất lượng thấp.
Theo ông, vì sao nông dân vẫn thích trồng các giống lúa chất lượng thấp đó?
- Thực tế là ngoài nhược điểm chất lượng gạo thấp, các giống lúa này có khả năng chống chịu với sâu bệnh, thích hợp nhiều mùa vụ quanh năm, dễ canh tác, tốn ít công chăm sóc mà lại cho năng suất cao nên người dân vẫn lựa chọn để trồng.
Nông dân Tiền Giang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2014.
Mặt khác, từ trước tới nay, chúng ta vẫn hướng tới thị trường xuất khẩu dễ tính, không cần gạo ngon như châu Phi, Trung Quốc… nên vẫn sản xuất các giống lúa phẩm cấp thấp.
Theo thống kê, mỗi năm thị trường toàn cầu cần nguồn cung khoảng 30 triệu tấn gạo, trong khi xu hướng chung của các nước phải nhập khẩu lương thực đều đẩy mạnh việc tự sản xuất nên tình hình thị trường được dự báo là ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Trước những khó khăn trên, nếu chúng ta không có giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo và mở rộng thị trường thì rất có thể gạo chất lượng thấp sản xuất ra sẽ không có ai mua.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, hiện trên thị trường có quá nhiều giống lúa, trong đó có cả những giống lúa chất lượng thấp là IR 50404, nên đã kéo giá xuất khẩu xuống thấp.
Phải chăng, việc quản lý giống lúa của chúng ta không tốt?
- Đúng là những năm trước đây, nông dân rất thích sử dụng lúa chất lượng thấp.
Do đó, Bộ NNPTNT đã đưa ra rất nhiều giải pháp để thay đổi cơ cấu sản xuất.
Vào các đầu vụ sản xuất, văn bản hướng dẫn của Bộ NNPTNT đều đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa được xác nhận, đặc biệt là lúa thơm.
Đến nay, giống lúa được xác nhận đã đưa vào cơ cấu xấp xỉ 50%, trong đó lúa chất lượng cao có khoảng 60% và vẫn còn khoảng 40% các giống lúa chất lượng kém mà nông dân vẫn đang sử dụng như giống IR 50404.
Thực tế, khi chúng ta trồng lúa chất lượng cao cũng bán được ở mức tiệm cận với giá lúa gạo của Thái Lan.
Tuy nhiên, khi bán các loại lúa chất lượng cao sang các thị trường dễ tính lại có giá rất thấp, có số liệu thống kê đưa ra thấp hơn của Thái Lan khoảng 30 – 35%.
Được biết Đề án tái cơ cấu lúa gạo và Đề án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đang được triển khai với chủ trương của ngành trồng trọt là hướng tới các sản phẩm lúa gạo chất lượng.
Ông có thể cho biết cụ thể về đề án này?
"Chúng tôi đang nghiên cứu giải quyết các vấn đề tồn tại của Pháp lệnh Giống cây trồng, trong đó có việc rút ngắn thời gian nghiên cứu, đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng.
Do đó, các chính sách sẽ sửa đổi để kiểm soát các giống đưa vào danh mục chủ yếu là giống lúa chất lượng cao, hạn chế và loại bỏ bớt các giống chất lượng kém trong danh mục hiện nay…”. Ông Ma Quang Trung
- Cục Trồng trọt đã được Bộ NNPTNT giao xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đề án, đối với vựa lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặt vấn đề xuất khẩu là chính, tiêu thụ nội địa là phụ.
Còn từ miền Trung trở ra thì ngược lại, tiêu thụ nội địa là chính và xuất khẩu là phụ.
Do đó, việc bố trí cơ cấu giống lúa, phân vùng sản xuất cũng sẽ khác nhau.
Ở ĐBSCL cần phải xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Do đó, ở ĐBSCL có thể chọn một số giống địa phương nhưng để xuất khẩu phải có những giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, có thể dùng nhóm giống trong nước hoặc ngoài nước nhưng phải đảm bảo nhu cầu của thị trường.
Đối với khu vực miền Bắc không có lợi thế về tự nhiên, mục tiêu đề ra là chỉ tập trung các giống lúa quốc nội như Séng cù, Tám thơm, các giống nếp… Các giống này gạo ngon nhưng sản lượng thấp, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội địa.
Riêng đối với thương hiệu gạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định, căn cứ vào đó chúng tôi đang xây dựng đề án để triển khai với hy vọng sẽ có bước đột phá cho ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Dù là nước sản xuất lúa gạo lớn, nhưng khâu giống của chúng ta rất kém, như ĐBSCL chỉ có 30% nông dân sử dụng giống xác nhận, còn lại là tự sản xuất.
Có ý kiến cho rằng, lúa gạo nước ta thậm chí còn đang thua cả Campuchia.
Tới đây, vấn đề này sẽ được khắc phục bằng cách nào, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của người dân, nhưng để thực hiện thì không đơn giản khi mà tình trạng thương lái vào tận ruộng của người dân để yêu cầu sản xuất và thu mua lúa chất lượng thấp. Ngoài ra, cần phải củng cố thêm cơ sở pháp lý cho nông dân để có căn cứ sản xuất.
Hiện pháp lệnh về giống đã triển khai hơn 10 năm, cùng các nghị định, thông tư đã lạc hậu.
Dù thời gian công nhận giống mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn cho ra đời cả giống tốt và không tốt.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ