Mô hình kinh tế Sẽ Xử Lý Dứt Điểm Tình Trạng Phá Rừng Nuôi Tôm Ở Miền Trung

Sẽ Xử Lý Dứt Điểm Tình Trạng Phá Rừng Nuôi Tôm Ở Miền Trung

Ngày đăng 03/06/2012

Sẽ Xử Lý Dứt Điểm Tình Trạng Phá Rừng Nuôi Tôm Ở Miền Trung
Sau khi nhận được báo cáo từ các tỉnh khẳng định có thực trạng như báo NTNN nêu, Bộ NNPTNT đã lập tức chỉ đạo địa phương phải xử lý nghiêm túc tình trạng người ào ạt phá rừng, phá vườn để đào ao nuôi tôm.

Về việc người dân ào ạt phá rừng, phá vườn để đào ao nuôi tôm như báo NTNN đã nêu trước đó, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam khẳng định có thực trạng như báo NTNN đã nêu, Bộ NNPTNT đã lập tức chỉ đạo địa phương phải xử lý nghiêm túc tình trạng người ào ạt phá rừng, phá vườn để đào ao nuôi tôm. Về phía Bộ NNPTNT, từ cuối tháng 5 vừa qua, tôi đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ đi kiểm tra thực tế cũng như tiến độ xử lý của địa phương đến đâu. Thực tế là đúng như báo nêu”.

Theo ông Điền, quá trình kiểm tra cho thấy, những ao tôm lấn chiếm rừng phòng hộ hầu hết người dân chỉ làm ở những bãi cát, vùng đất không có rừng. Thực tế, đời sống của người dân ở đây còn rất khó khăn, do đất thì bạc màu, trồng cây, làm ruộng không đủ sống. Trong khi, nếu đào ao nuôi tôm, làm 1 vụ có thể bằng cả 10 năm trồng cây.

Trả lời câu hỏi, vì sao các địa phương không quy hoạch vùng nuôi tôm riêng cho bà con nông dân, ông Điền cho biết: “Việc quy hoạch vùng nuôi tôm bền vững không hề dễ dàng, vì ở những vùng đất này là nơi đan xen vào khu dân cư sinh sống nên không thể quy hoạch được. Những vùng nuôi tôm trong quy hoạch cũng phải có quy định rất chặt chẽ, không chỉ là quy định trong nước mà còn ràng buộc bởi những quy định quốc tế, các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra”.

Từ thực tế trên, ông Điền cũng cho biết: “Đối với những hộ dân đào ao nuôi tôm trong khu vực rừng phòng hộ, sẽ phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết dẹp bỏ san ủi mặt bằng, thu hồi đất sau khi người dân thu hoạch xong vụ này, người dân phải trồng lại cây cho rừng phòng hộ. Đối với những vùng đất vườn trồng cây hàng năm, trồng hoa màu, trồng lúa kém hiệu quả mà đã nuôi tôm, thì có thể bổ sung vào quy hoạch nuôi tôm tạm thời của tỉnh và hướng dẫn người nuôi tôm nuôi đúng quy trình, có hệ thống xả thải đảm bảo đạt yêu cầu. Nghiêm khắc xử lý các hộ nuôi xả thải thẳng ra môi trường mà không qua xử lý”.

Dự kiến, sau khi có sự thống nhất giữa Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp, đoàn công tác sẽ gửi báo cáo lên Bộ NNPTNT để giải quyết dứt điểm vấn đề trên.

Khắc Phục Tình Trạng Tôm Giống Thả Nuôi Bị Hao Hụt Ở Thanh Hóa Khắc Phục Tình Trạng Tôm Giống Thả Nuôi… Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Nâng Cao Chất Lượng Cây Mận Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Nâng Cao…