Sóc Trăng giới thiệu các giống mía triển vọng cho niên vụ 2015 - 2016
Năm nay, ngành nông nghiệp Sóc Trăng kết hợp Viện giống cây trồng khuyến cáo bà con nên trồng một số loại giống mới, đã được trồng thử nghiệm và đánh giá thực tế cho thấy hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng mía Sóc Trăng.
Niên vụ trồng mía của nông dân Sóc Trăng thường bắt đầu vào đầu mùa mưa mỗi năm, đến tháng 3 - 4 dương lịch năm sau thu hoạch, hiện tại nông dân đang tập trung chuẩn bị cho vụ mùa mới. Với những bất lợi về giá cả thời gian vừa qua, thì việc chọn được những giống mía cho năng suất, trữ đường cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của bà con.
Việc chuyển giao giống mía mới cho nông dân được xem là công việc cần thiết hằng năm, nhằm giúp bà con tiếp cận và sử dụng giống phù hợp với từng vùng sản xuất. Để đạt hiệu quả, giống mía là yếu tố rất quan trọng, vì giống mía có năng suất, trữ lượng đường cao sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn.
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi giống mía ngày càng cao của nông dân, những năm qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã có sự hợp tác tốt với Viện nghiên cứu mía đường – Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhằm khảo nghiệm sản xuất nhân giống mía mới để chuyển giao cho vùng trọng điểm mía đường Sóc Trăng.
Thạc sĩ Lê Thị Thường - Phó trưởng Bộ môn di truyền giống Viện nghiên cứu mía đường - Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: “Hiện có nhiều giống mới có triển vọng nhưng do tập quán nông dân thích trồng giống mía sinh trưởng mạnh cây to ,dễ bóc lá, nên việc tập trung cho các giống có trữ đường cao, có lợi cho chế biến chưa được chú trọng. Do đó chúng ta nên bố trí thời vụ cũng như cơ cấu giống để tránh tình trạng đầu vụ và giữa vụ thiếu mía ép và cuối vụ thì thừa, thất thoát về năng suất và trữ đường lớn.”
Để chuẩn bị bộ giống mía cho vụ sản xuất 2015 - 2016, ngoài các giống mía năng suất và hàm lượng cao đã được bà con trồng nhiều như K88-22, K833, K88-92 và giống KK6, Trại giống Long Phú khuyến cáo đến bà con các giống mía mới triển vọng. Kỹ sư Nguyễn Hữu Út – Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng cho biết: “Qua trồng thử nghiệm, tổ chức hội thảo, mời cán bộ Viện mía, các ngành chuyên môn và nông dân đến đánh giá, để chọn những giống mía thích hợp cho vùng mía Sóc Trăng, chúng tôi đã chọn ra được 3 giống mía mới chất lượng cao để đưa vào sản xuất là KSP01-25, Khonkhoen 3, KU88-24”
Giống mía KPS 01-25 có đặc điểm hình thái dáng bụi hơi xòe, lóng gốc sít, ít rễ phụ, dáng ngọn chụm xiên. Thân trung bình - to, không đều cây, lóng hình ống chỉ, sáp phủ nhiều, không có vết nứt sinh trưởng. Đai sinh trưởng lồi, hẹp, màu vàng. Sẹo lá rõ. Bẹ lá màu xanh, có sáp phủ, không có lông, không tự bong lá, mép bẹ lá khô. Phiến lá dài, rộng trung bình, dày, cứng, mép lá không sắc, màu xanh đậm, lá đứng. Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khoẻ, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng nhanh, mật độ cây hữu hiệu khá, kháng sâu hại, trổ cờ ít, lưu gốc tốt, năng suất cao, đạt trên 150 - 160 tấn/ha. Hàm lượng đường đạt trên 11%.
Giống mía Khonkhoen 3: có đặc điểm dáng bụi xoè,lóng gốc trung bình, không có rễ phụ, dáng ngọn xoè cong. Thân trung bình - to, đều cây, lóng hình trụ, màu xanh ẩn vàng, sáp phủ nhiều, không có vết nứt sinh trưởng. Đai sinh trưởng hẹp, màu vàng. Phiến lá trung bình, dày, mềm, mép lá sắc, màu xanh. Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khoẻ, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng khá nhanh, mật độ cây hữu hiệu cao, kháng sâu hại, trổ cờ ít, lưu gốc tốt, năng suất trên 150 - 160 tấn/ha. Hàm lượng đường đạt trên 11%.
Giống mía KU88-24: dáng bụi xòe, lóng gốc sít, ít rễ phụ, dáng ngọn xòe xiên. Thân cây to, lóng hình trụ, màu xanh ẩn vàng, không có vết nứt sinh trưởng. Bẹ lá màu xanh, dày, có sáp phủ, có ít lông, không tự bong lá, có hai tai lá to, dài, một hình cựa, một hình mác. Lá thìa ngắn, cổ lá to, hình sừng bò, cổ lá non màu hơi hồng. Phiến lá dài, rộng, dày, mép lá sắc, màu xanh đậm. Đặc điểm nông nghiệp: Khả năng mọc mầm khá, mầm to, đẻ nhánh trung bình, tốc độ vươn lóng nhanh. Kháng sâu đục thân, trỗ cờ ít, lưu gốc khá, đổ ngã trung bình, năng suất mía cao 150 - 170 tấn/ha. Hàm lượng đường trên 10%.
Hầu hết các giống mía được tuyển chọn hiện nay đều khắc phục tình trạng trổ cờ làm ảnh hưởng đến chiều cao và hàm lượng đường. Ngoài ra bà con có thể kiểm soát việc mía trổ cờ bằng các biện pháp canh tác như:
- Chủ động thời vụ: trồng mía chuyên canh có 2 thời vụ chính, trồng đầu vụ mưa (khoảng tháng 5 – 6 dương lịch) và cuối vụ mưa (khoảng tháng 11 – 12 dương lịch), trong đó trồng cuối vụ mưa mía sẽ dễ đạt năng suất cao, khắc phục được nhược điểm trổ cờ của một số giống mía;
- Tăng hàm lượng phân đạm vừa phải: bón nhiều đạm có thể ức chế mía trổ cờ , do tác dụng kích thích sinh trưởng của đạm. Tuy vậy, nếu kéo dài thời gian bón và với lượng đạm quá dư sẽ làm giảm phẩm chất, hàm lượng đường và độ tinh khiết. Đạm được bón trước ít nhất 10 - 15 ngày. Tăng đạm kết hợp với gây hạn trước và trong thời kỳ cảm ứng trổ cờ và sau đó tưới trở lại để mía tiếp tục sinh trưởng có thể hãm mía trổ cờ mà không ảnh hưởng tới sản lượng.
- Cắt lá ngọn: phần ngọn và lá xanh trên ngọn là bộ phận cảm ứng mạnh với chu kỳ ánh sáng, kích thích hình thành mầm cờ. Chính vì thế, chặt bớt lá ngọn và lá xanh vào giữa tháng 8 và tháng 9 cũng làm giảm trổ cờ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ