Sôi Động Thủy Sản Mùa Nước Nổi
Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.
Cánh đồng các xã Tân Mỹ, Tân Phú, Phú Lợi, huyện Thanh Bình và các xã Tân Công Sính, Phú Thọ, Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nước đã ngập tràn. Trên đồng nước lao xao, các phương tiện như xuồng, ngư cụ được người dân sử dụng để đánh bắt và khai thác cá, tép, lươn, ếch, cua, ốc…
Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm… mùa nước nổi vừa đơn giản, vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, dàn câu, mỗi đêm cũng kiếm được vài chục ký cá là chuyện bình thường.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ở các xã, ấp nào trong vùng Đồng Tháp Mười cũng có từ vài chục đến vài trăm hộ sống bằng nghề đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Với khoảng 1,5 triệu đồng vốn để mua xuồng, tay lưới hoặc dàn câu là trang bị được phương tiện, dụng cụ hành nghề kiếm sống vào mùa nước nổi.
Còn hộ nào có sẵn xuồng, chỉ cần 750.000 đồng để mua tay lưới, dàn câu là đủ. Lưới 4 hoặc 5 phân đem giăng sẽ bắt được cá mè vinh, cá rô lớn; còn lưới 2,5 - 3 phân đem giăng sẽ bắt được cá linh, cá rô, cá sặt… Câu giăng thường bắt được cá lóc, cá trê, ếch, rắn…
Mùa nước nổi năm nay, vợ chồng anh Trần Văn Hội ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính đem 400m lưới loại 2,5 phân, một ngày đêm giăng chỉ bắt được hơn 2 kg cá các loại. Ngày nào trúng lắm cũng chỉ được khoảng 5 kg cá, thu nhập chưa tới 100.000 đồng...
Trên cánh đồng vùng đê bao khép kín canh tác lúa Thu Đông ở thị trấn Thanh Bình và thị trấn Tràm Chim, chúng tôi tiếp xúc và trao đổi với những người chuyên làm nghề thả lưới, giăng câu, đặt lọp, đặt trúm đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi.
Dù lũ lớn hay nhỏ, dù đồng ruộng có lũ ngập tràn hay đã làm đê bao tăng vụ, nhưng nghề câu, lưới, lọp, lờ, trúm… đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi vẫn là hoạt động khá hấp dẫn và là cách mưu sinh độc đáo của người dân miền sông nước ĐBSCL.
Gia đình anh Lê Văn Hùng, ở thị trấn Thanh Bình chia sẻ: “Trước đây, khi đồng ruộng chưa có đê bao làm lúa vụ ba, vào mùa nước nổi, chỉ cần chống chiếc xuồng với vài chục cái lọp mỗi đêm cha con tôi thu gần 10 kg tép, bán cho bạn hàng ở chợ 20.000 đồng/kg, thu hàng trăm ngàn đồng, đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Nhưng bây giờ phải di chuyển đến những cánh đồng xa chưa có đê bao để đánh bắt thủy sản kiếm sống qua mùa nước nổi, mà cá, tép… cũng dần dần cạn kiệt, do quá nhiều người khai thác với các dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt”.
Bây giờ, những người đánh bắt, khai thác thủy sản mùa nước nổi thường chọn những cánh đồng chưa có đê bao, nước lũ ngập tràn để hành nghề. Ở đây, xuồng lớn, xuồng nhỏ, người bơi, kẻ lội nước thả lưới, giăng câu, đặt lọp, trúm… rất đông.
Ven bờ, rải rác các ụ nhỏ bằng cỏ, lục bình, với mồi trùn, cua, ốc thối để dẫn dụ lươn. Mỗi đêm, người dân có thể bắt được vài ba ký lươn từ các ụ đó. Bên cạnh, còn có người đi soi ếch, mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm…
Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và nơi có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch bắt cặp say sưa kêu lục cục, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên, ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 1 - 2kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ