Mô hình kinh tế Sữa ngoại đè người nuôi bò

Sữa ngoại đè người nuôi bò

Ngày đăng 13/10/2015

Sữa ngoại đè người nuôi bò

Người dân chọn mua sữa ngoại tại một cửa hàng bán sữa ở quận 3

Ngành sữa được xem là khá nhạy cảm khi VN tham gia sân chơi TPP, nhiều chuyên gia nhận định: người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trước mắt với giá sữa ngoại rẻ hơn, nhưng ngược lại người chăn nuôi bò sữa sẽ “mệt mỏi” do giá thành sữa tươi của VN ở mức khá cao.

Theo Hiệp hội Sữa VN, sữa nguyên liệu ngoại nhập đang hiện diện hơn 70% trên thị trường VN với giá trị nhập khẩu hằng năm ở mức 1 tỉ USD và nguy cơ sữa ngoại sẽ tiếp tục ồ ạt vào VN khi TPP có hiệu lực do thuế giảm về 0%.

Sữa ngoại sẽ vào ồ ạt?

Hiện nguồn sữa sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng sữa tiêu thụ của các công ty sữa trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Điều ngẫu nhiên là những nước VN đang nhập chủ yếu nguồn nguyên liệu sữa như: New Zealand, Mỹ, Úc... đều là thành viên trong khối TPP.

Với hai quốc gia ở châu Đại Dương, VN đã có các thỏa thuận mở cửa thị trường theo hiệp định tự do thương mại ASEAN - Úc - New Zealand, nên nếu có TPP hay không thì đến năm 2018 thuế suất các sản phẩm sữa cũng sẽ về 0% so với mức 7% hiện nay.

Thực tế sự hiện diện những hộp sữa nước nhập khẩu được đóng gói dạng 200ml hay 1 lít mang thương hiệu ngoại đến từ Úc, Pháp hay New Zealand... đang trở nên quen thuộc với nhiều gia đình VN hiện nay.

Chị Thương (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có hai con nhỏ cho biết gần đây gia đình chị chọn loại sữa nhập khẩu từ Úc cho bé. “Với giá 270.000 đồng/thùng 24 hộp (hộp 200ml) hoặc 38.000 đồng/hộp loại 1 lít tuy có nhỉnh hơn sữa trong nước nhưng bé hợp khẩu vị nên uống rất thích” - chị Thương cho hay.

Nhận định của ông Trịnh Quốc Dũng, giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu của Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), cho rằng khi loại bỏ thuế sau TPP, giá sữa (dù nguyên liệu hay sữa thành phẩm) từ các cường quốc này vào VN sẽ giảm hơn, dù mức giảm còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

“Với người tiêu dùng chắc chắn được hưởng lợi vì có thêm sự lựa chọn, bản thân nhà sản xuất cũng được hưởng lợi bởi hầu hết sữa nguyên liệu hiện nay của VN đều phải nhập khẩu nên cơ hội cho nhà sản xuất trong nước giảm giá cạnh tranh là có” - ông Dũng giải thích.

Theo Hiệp hội Sữa VN, kim ngạch nhập khẩu sữa tiệt trùng không đường của VN từ hai thị trường này tăng đều qua các năm, chỉ riêng năm 2013 VN đã nhập khẩu 6,3 triệu USD từ New Zealand và 2,6 triệu USD từ thị trường Úc.

Dự báo lượng nhập khẩu sẽ tăng nhanh khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu rẻ hơn. Theo đánh giá của Hãng tin Bloomberg, ngành công nghiệp sữa (chiếm 1/4 lượng xuất khẩu của New Zealand) sẽ tiết kiệm được 102 triệu USD mỗi năm nhờ việc giảm và xóa bỏ thuế sau TPP.

Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc Công ty Hancofood, cho rằng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa chỉ ở mức 3 - 5%, thuế nhập khẩu sữa thành phẩm từ 7 - 10%, nếu sau TPP tất cả đều về 0% thì mức giảm cho sữa thành phẩm được nhiều hơn.

“Giảm 3% kia không thấm gì với doanh nghiệp sản xuất nhưng mức giảm với sữa thành phẩm là rõ ràng, sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ vào VN” - ông Châu nhận xét.

Các doanh nghiệp phân phối cũng cho rằng sữa ngoại sẽ bùng nổ ở thị trường VN bởi ngay cả bây giờ, khi chưa có TPP, thị trường sữa VN đã đón nhận thêm rất nhiều thương hiệu mới đến từ Pháp, Nhật, Mỹ, Canada...

Ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Công ty sản xuất & xuất nhập khẩu Đức Nam, đang phân phối một hãng sữa của Nhật Bản, cho biết dù chỉ mới vào vài tháng nhưng tăng trưởng của sản phẩm rất nhanh.

Các dòng sữa Nhật được đánh giá cao cấp, giá trên 600.000 đồng/hộp vẫn được tiêu thụ tốt, cho thấy người tiêu dùng rất quan tâm và sẵn sàng chi trả cao cho mặt hàng này.

Ám ảnh “sữa hoàn nguyên”

Với TPP, người tiêu dùng có thể có cơ hội để sử dụng sữa rẻ hơn nhưng ngành sữa tươi VN sẽ rơi vào cảnh bị đe dọa mất khả năng cạnh tranh.

Phần lớn thị trường sữa nước và sữa chua tại VN là sản phẩm pha lại từ bột sữa nguyên liệu - chủ yếu là bột sữa nguyên kem WMP (whole milk powder) và bột sữa tách béo SMP (skim milk powder)).

Một khi thuế suất về 0% thì hưởng được lợi nhất là các nhà sản xuất sữa hoàn nguyên vì nguyên liệu rẻ hơn.

Khi đó, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất là các hộ chăn nuôi do sản xuất sữa nước cao hơn giá thành sữa hoàn nguyên.

Thực tế vừa qua các công ty sản xuất sữa trong nước đã siết chặt việc thu mua và giới hạn định mức do giá sữa bột nguyên liệu giảm liên tục đã diễn ra từ năm 2014.

Theo Tổ chức Đối chứng thông tin nông nghiệp quốc tế, năm 2014 giá thành sản xuất sữa trên thế giới trung bình 42 USD/100kg sữa ECM (sữa quy chuẩn chất lượng) tương đương 9.400 đồng/kg (tỉ giá 22.400 VND/USD), trong khi sữa tươi thu mua của các nhà máy phải từ 14.000 đồng/lít trở lên người nông dân mới có lời.

Ông Trần Bảo Minh, giám đốc Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP), cho biết không đợi đến TPP mà thực tế thời gian qua, xu hướng một số công ty VN đặt gia công sữa ở nước ngoài rồi nhập về VN làm thương hiệu đã rộ lên, chủ yếu là sữa bột và sữa hoàn nguyên vì chi phí sản xuất sữa ở VN vẫn cao hơn nhiều nước.

“Vùng nguyên liệu, quy mô chăn nuôi của VN không thể so sánh với nước ngoài.

Khí hậu nước họ trong lành, thổ nhưỡng tốt thế trong khi đó nuôi bò sữa ở VN thì phải tắm tưới liên tục cho bò vì khí hậu nóng ẩm, thức ăn chăn nuôi có pha chế bao nhiêu cũng không thể so chất lượng với cỏ tự nhiên nên trong vòng 10 năm tới ngành sữa VN vẫn phải phụ thuộc nước ngoài” - ông Minh nói.

“Miếng bánh” ngành sữa tăng mạnh mỗi năm

Theo đánh giá của Tổ chức Euromonitor International, năm 2014 doanh thu ngành sữa VN đạt 75.000 tỉ đồng, tăng 20% và năm 2015 ước đạt 92.000 tỉ đồng, tăng trưởng 23%.

Các doanh nghiệp cho rằng cơ hội phát triển cho ngành nguyên liệu sữa tươi trong nước vẫn rất lớn khi sữa tươi nội địa cũng có những dòng riêng mà sữa hoàn nguyên không cạnh tranh được.

Theo đại diện Vinamilk, quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp VN sau TPP là chất lượng và giá thành.

“Nếu chúng ta có sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, đạt tiêu chuẩn thì không quá lo lắng” - đại diện Vinamilk cho biết.


Nông nghiệp nông dân miền Tây còn ngơ ngác với TPP Nông nghiệp nông dân miền Tây còn ngơ… Xuất khẩu điều kỳ vọng đạt 2,5 tỷ USD Xuất khẩu điều kỳ vọng đạt 2,5 tỷ…