Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững

Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững

Ngày đăng 27/11/2014

Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành lâm nghiệp Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Điều này đã được manh nha thực hiện bằng việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, giai đoạn 2011-2020. Tỉnh đã triển khai công tác trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, khai thác, chế biến lâm sản theo từng thời kỳ, đồng thời quy hoạch vùng  trồng rừng kinh doanh gỗ lớn  với 55.000 ha; vùng trồng rừng kinh doanh luồng 71.000 ha; vùng cây đặc sản 25.000 ha; vùng phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu 94.000 ha.

Đặc biệt, cây luồng được ngành lâm nghiệp quan tâm triển khai để nâng cao giá trị, bởi  Thanh Hóa có hơn 50% tổng diện tích luồng của cả nước. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta khai thác khoảng 25 đến 30 triệu cây luồng, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác quá mức đã làm cho rừng luồng giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng.

Để vực dậy vị thế của cây luồng Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung với quy mô 29.958 ha; trong đó, chăm sóc, bảo vệ và khai thác hợp lý 14.167 ha; phục tráng rừng luồng thoái hóa 14.791 ha; trồng mới rừng luồng thâm canh 1.025 ha, hướng tới khai thác bền vững rừng luồng.

Trong công cuộc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nói chung, việc tái cơ cấu các loại rừng được xác định theo hướng ổn định diện tích rừng đặc dụng, giảm diện tích rừng phòng hộ, tăng diện tích rừng sản xuất. Sang năm 2015, diện tích rừng đặc dụng sẽ được quy hoạch tăng thêm 647 ha do thành lập Khu bảo tồn loài hạt trần Nam Động (Quan Hóa), đến năm 2020 tiếp tục tăng thêm 2.703 ha.

Trong khi đó, rừng phòng hộ sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 25.000 ha do chuyển những diện tích manh mún, nhỏ lẻ sang đất rừng sản xuất và chuyển sang đất khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một phần khác được chuyển thành diện tích rừng đặc dụng. Với diện tích rừng sản xuất, năm 2015 hướng tới ổn định diện tích;  năm 2020, dự kiến tăng 5.850 ha. Đến năm 2025, tiếp tục tăng 15.000 ha từ diện tích rừng phòng hộ ở những khu vực có nhu cầu cao về đất sản xuất.

Sau khi ổn định diện tích các loại rừng theo quy hoạch chung, công tác tái cơ cấu đầu tư phát triển rừng sẽ tiếp tục được chú trọng. Đến năm 2015, ngành lâm nghiệp Thanh Hóa hướng đến phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn với diện tích dự kiến khoảng 27.800 ha. Từ năm 2020, tiếp tục phát triển ổn định 55.932 ha với các loài cây keo tai tượng, lát hoa, xoan, sao đen...

Song song với đó là phát triển vùng thâm canh luồng tập trung với khoảng 29.982 ha (giai đoạn 2016 – 2020) và tăng lên khoảng 45.000 ha trong giai đoạn 2021-2025, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến; đồng thời nâng cao giá trị của cây luồng.

Ngoài luồng và gỗ, việc nâng cao giá trị và hiệu quả ngành lâm nghiệp còn được xác định hình thành các vùng chuyên canh nứa, vầu, song, mây, dược liệu... với quy mô hợp lý gắn với cơ sở chế biến lâm sản, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Riêng cây dược liệu sẽ được  phát triển, khai thác có hiệu quả và bền vững với 94.000 ha dưới tán rừng tự nhiên, đa phần là các cây bản địa, như: thảo quả, ba kích, sa nhân, máu chó... để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Nghề rừng xứ Thanh vào khoảng năm 2020 còn được xác định phát triển các cây lâm đặc sản, như: quế 15.000 ha, trẩu 3.000 ha, cánh kiến 2.000 ha, mắc ca 5.000 ha, các loài khác (trám, dổi ăn hạt, dó bầu, tai chua...) khoảng 3.500 ha. Đến năm 2025, diện tích các loài này sẽ được quy hoạch khoảng 40.000 ha.

Cùng với quá trình quy hoạch các loại rừng và đầu tư hợp lý, việc phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản theo chiều sâu cũng đang được kỳ vọng mang lại những bước ngoặt.

Theo đó, lâm sản sẽ được đầu tư, chế biến theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, thay thế dần các sản phẩm thô (dăm gỗ, nhựa thông, nứa thanh) như hiện nay. Khi giá trị lâm sản được nâng cao, chính là tiền đề để tái đầu tư phát triển, thâm canh rừng và chế biến lâm sản. Các vùng nguyên liệu gỗ, tre luồng, dược liệu... sẽ được quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến.

Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh nhà được xác định hướng tới xây dựng được các mô hình lâm nghiệp hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, vùng thâm canh luồng tập trung... Người trồng rừng, đa phần là đồng bào miền núi đang hy vọng có cơ hội thoát nghèo, hướng tới làm  giàu nhờ hoạt động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n132023/Tai-co-cau-nganh-lam-nghiep-theo-huong-nang-cao-gia-tri-gia-tang-va-phat-trien-ben-vung


Phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần, Tăng Hiệu Quả Khai Thác Hải Sản Phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) Phát Triển Dịch… Đưa Nông Sản Việt Vào Hệ Thống Bán Lẻ Quốc Tế Đưa Nông Sản Việt Vào Hệ Thống Bán…