Mô hình kinh tế Tại sao con đặc sản vừa xuất hiện đã mất hút

Tại sao con đặc sản vừa xuất hiện đã mất hút

Ngày đăng 24/11/2015

Tại sao con đặc sản vừa xuất hiện đã mất hút

Những năm gần đây, xu hướng nuôi con đặc sản ngày càng nhiều ở các trang trại.

Phải chăng đây là cách để các chủ trang trại tìm lối thoát trong chăn nuôi?

Heo rừng non ở trang trại chị Lê Thị Bích Ngọc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên.

- Theo tôi, đây là một xu thế rất tốt, dù con đặc sản có năng suất không cao nhưng giá trị đem lại cho người nuôi là rất lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc chúng ta tham gia TPP, việc nuôi con đặc sản được coi là một cách thức để đối phó với các sản phẩm giá rẻ của các nước phát triển.

Có thể nói, các con đặc sản ngày càng đa dạng và phong phú, từ gia cầm tới gia súc đều được người dân thuần hoá các con vật trong tự nhiên để trở thành một vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao.

Trong đó, gia cầm có gà Đông Tảo, gà Hồ, gà mía, gà HMông, gà đen, đà điểu, chim trĩ, vịt trời… Gia súc có dê, lợn rừng, hươu, thỏ và nhiều vật nuôi thuỷ sản như ba ba, cá sấu… Nhiều con đặc sản trở thành thương hiệu không chỉ của địa phương mà còn được nhiều vùng miền biết đến nhưng cũng có một số con đặc sản lại không có đầu ra, chỉ xuất hiện một thời gian sau đó “mất hút” khỏi thị trường.

Ông vừa nói đến việc có một số con đặc sản đã “mất hút” khỏi thị trường chỉ sau một thời gian xuất hiện, ông có thể lý giải nguyên nhân?

- Như tôi đã nói ở trên, số lượng và chủng loại của con đặc sản hiện nay rất lớn nhưng cũng chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về tất cả các con đặc sản mà ở Viện Chăn nuôi cũng chỉ đi sâu vào một số con đặc sản cụ thể.

Tuy nhiên, việc các con đặc sản nào đang phát triển tốt và ngườc lại những con đặc sản nào đang gặp khó khăn về đầu ra thì cơ bản chúng ta có thể biết được nếu chú ý quan sát trên thị trường.

TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng Bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi quốc gia).

Theo quan điểm của tôi, hiện nay một số vật nuôi như hươu lấy nhung vẫn còn nuôi tốt ở Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình và một số tỉnh.

Do hươu là vật nuôi vừa có thể lấy thịt vừa có thể lấy nhung cho giá trị kinh tế cao và thức ăn của vật nuôi này cũng đơn giản, chủ yếu là cỏ nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Một số vật nuôi khác như gà mía của (Hà Nội) gà Tiên Yên (Quảng Ninh) gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Hồ (Bắc Ninh) hay ba ba, rắn, … là những vật nuôi vẫn đang khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.

Còn lợn rừng thì đã bão hoà, bản chất lợn rừng chủ yếu là lợn giống được thuần hoá trong trai trại của Thái Lan.

Còn lợn rừng thực sự phải là lợn rừng hoang dã, người dân bắt lợn ở rừng về để phối giống nhưng tỉ lệ không cao.

Một vật nuôi khác là vịt trời, vài năm gần đây người dân cũng có xu hướng nuôi vịt trời theo hình thức nuôi nhốt và điều khiển được loài hoang dã này.

Tuy nhiên, hiện vật nuôi này đang rất khó khăn về đầu ra, nhiều nơi đã không thể bán được do không có người thu mua…

Con đặc sản ở nước ta rất đặc thù, chúng gắn liền với truyền thống, với một vùng đất cụ thể.

Nhưng cũng có thực tế là khi thấy giá trị kinh tế cao, người dân thường đổ xô đi nuôi, kể cả không phải nuôi ở vùng đất đã gắn liền với “tên tuổi” của con đặc sản đó?

- Việc phát triển các con đặc sản theo tôi sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề không chỉ về mặt kinh tế mà còn liên quan tới nội dung như, duy trì được giống nòi; góp phần làm đa dạng sinh học; gắn liền với bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi của Việt Nam…

Tuy nhiên, muốn bảo tồn thì phải phát triển, phải nhân lên các con đặc sản, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và quan trọng là phải nuôi sống được người dân địa phương thì con đặc sản mới phát triển được bền vững.

Hiện nay, người dân ở mỗi khu vực có trình độ sản xuất khác nhau, thay vì họ nuôi được lợn ngoại, gà công nghiệp nhưng cũng có vùng không đủ kinh phí đầu tư và chưa chắc đã bán được sản phẩm chăn nuôi công nghiệp ở địa phương đó thì vật nuôi đặc sản là một lựa chọn rất phù hợp.

Ví dụ, con gà mía của Hà Nội đang làm rất tốt, hay gà Tiên Yên (Quảng Ninh) gà H Mông… Nếu phát triển tốt các con đặc sản chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho nhà quản lý đẩy mạnh phát triển lợi thế, góp phần phát triển kinh tế của từng vùng miền, từng địa phương, xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Mặt khác, tôi cũng nghĩ, cần phải có một cuộc cách mạng rà soát lại các con đặc sản để căn cứ vào các đặc điểm như giống loài, giá trị thực phẩm; có khả năng xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với thế mạnh của từng vùng.

Phải tập trung nghiên cứu, xây dựng quy trình, đưa ra giải pháp kỹ thuật như thức ăn như thế nào; công tác tổ chức nuôi; công tác quản lý dịch bệnh; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Nếu làm được các yếu tố đó tốt thì chắc chắn các con đặc sản sẽ có chỗ đứng trên thị trường, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Theo tôi, để làm được vấn đề đó, Nhà nước cần hỗ trợ quy trình kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình mẫu và hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

“Trong khi các nước có thế mạnh về sản phẩm chăn nuôi công nghiệp, chủ yếu thịt lợn, thịt gà đông lạnh, thì chúng ta cần phát huy thế mạnh với các sản phẩm gà, lợn… đặc sản, tươi sống, chất lượng cao để tạo ra ưu thế cạnh tranh”.

(TS Nguyễn Ngọc Sơn)


Khám phá top 10 loại dưa chuột kỳ lạ nhất hành tinh Khám phá top 10 loại dưa chuột kỳ… Cây bí ngô khổng lồ lá to như chiếc ô, quả nặng 1 tấn rưỡi Cây bí ngô khổng lồ lá to như…