Tân Sơn (Bắc Kạn) Mùa Thu Hoạch Gừng
Tân Sơn là xã có diện tích trồng gừng lớn nhất của huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Thời điểm này xã đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, bà con đồng bào Dao Tân Sơn rất phấn khởi vì năm nay gừng được mùa, được giá cao nhất từ trước đến nay.
Năm nay toàn huyện Chợ Mới trồng được hơn 80ha gừng, trong đó xã Tân Sơn chiếm hơn 90% diện tích. Năm nay, giá gừng đầu mùa khá cao, gấp 2 - 3 lần những năm trước, thương lái thu mua với giá trên 20.000 đồng/kg.
Do diện tích đất ruộng ít, đất đồi, nương rẫy chiếm phần lớn nên từ nhiều năm nay người dân Tân Sơn đã biết phát huy lợi thế của địa phương để phát triển cây gừng. Ban đầu diện tích manh mún chỉ vài héc-ta, tập trung ở một số hộ gia đình. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi cây gừng thực sự đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nơi đây thì diện tích đã được mở rộng một cách nhanh chóng.
Cây gừng được chính quyền địa phương cũng như người dân xác định là cây trồng chính, không chỉ góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho người dân Tân Sơn. Bản người Dao ở Nặm Dất nhờ cây gừng mà hầu hết các hộ dân có cuộc sống khá sung túc, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt tiện nghi.
Hiện nay 100% các thôn của xã Tân Sơn đều trồng gừng. Trong đó Nặm Dất và Bản Lù là 2 thôn có diện tích trồng gừng lớn trong xã, đặc biệt là thôn Nặm Dất hiện có 70 hộ thì hầu như gia đình nào cũng trồng gừng. Chị Triệu Thị Liễu - người dân trong thôn vui mừng cho biết: Gia đình có khoảng 2ha gừng, mấy mùa gần đây, mùa nào cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Dự định năm tới nhà chị Liễu sẽ mở rộng diện tích trồng gừng, hy vọng gừng vẫn sẽ được giá cao. Hiện nay, gừng được tiêu thụ khá dễ dàng, bên cạnh các tư thương đến mua để chở về xuôi, người dân địa phương cũng đã mở xưởng chế biến các sản phẩm từ gừng.
Theo lãnh đạo xã Tân Sơn, thời gian tới chính quyền sẽ khuyến khích bà con tiếp tục phát triển các mô hình này, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư mở thêm các xưởng chế biến sản phẩm từ cây gừng, nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con.
Ông Bàn Văn Minh - chủ Doanh nghiệp tư nhân Xuất khẩu và Chế biến nông sản Minh Bê, cơ sở thu gom gừng tại xã Tân Sơn cho biết: Doanh nghiệp đã cam kết thu mua gừng với giá cả hợp lý cho bà con. Bên cạnh đó, cơ sở còn liên kết thành công với các đối tác để xuất khẩu gừng ra nước ngoài.
Theo ông giá gừng tăng mạnh gần đây do nhu cầu xuất khẩu lớn, cùng đó thị trường tiêu thụ nội địa tăng mạnh, nhiều nhà máy, cơ sở đẩy mạnh thu mua gừng làm mứt, bánh kẹo chuẩn bị hàng hóa Tết. Ông Minh khẳng định “Chưa có năm nào gừng lại có giá cao như năm nay”.
Những năm qua cây gừng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con trong xã. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ gừng chưa thực sự ổn định, năm được giá, năm rớt giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng.
Cách đây 2 năm, giá gừng có lúc xuống tới mức thấp nhất 3.000 - 4.000 đồng/kg mà không có người thu mua, khiến người dân chán nản không muốn trồng. Để cây gừng thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành cây trồng chủ lực của xã thì việc tìm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm gừng củ là điều hết sức quan trọng.
Có như vậy người dân mới yên tâm trồng, đầu tư mở rộng diện tích. Đây là vấn đề cần được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt các doanh nghiệp quan tâm bởi việc liên kết bốn nhà trong phát triển kinh tế là hình thức khá thành công ở nhiều địa phương nhất là trong vấn đề tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ