Mô hình kinh tế Tăng cường phòng ngừa sâu đục thân hại mía

Tăng cường phòng ngừa sâu đục thân hại mía

Ngày đăng 02/06/2015

Tăng cường phòng ngừa sâu đục thân hại mía

Vụ mía 2015-2016, toàn tỉnh xuống giống được gần 11.500ha, hiện mía ở giai đoạn trên dưới 6 tháng tuổi và đang trong quá trình vươn lóng. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay đã làm cho nhiệt độ, ẩm độ trong ruộng mía tăng cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển trên cây mía.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận có 439ha mía bị nhiễm nhẹ các loài sinh vật hại như: sâu đục thân, rệp sáp và rầy đầu vàng, trong đó đáng lo ngại nhất là sâu đục thân. Hiện, các sinh vật gây hại trên đều xuất hiện rải rác ở các vùng mía thuộc địa bàn thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh.

Bên ruộng mía đang bị sâu đục thân tấn công mấy ngày qua, ông Trương Văn Hiền, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Khi phát hiện có sâu đục thân tấn công 1,2ha mía của gia đình, hai hôm trước, tôi đã phun thuốc diệt trừ xong và hôm nay đi kiểm tra tình hình. Mặc dù có sâu tấn công nhưng do có sự chuẩn bị trước ngay từ đầu vụ, nhất là vệ sinh kỹ trong khâu đánh lá nên sự gây hại của các đối tượng dịch hại không đáng ngại”.

Theo nhiều nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, sâu đục thân là một trong những loại sâu phổ biến và gây nhiều thiệt hại về năng suất và phẩm chất cây mía. Trong một vụ mía khoảng 9-10 tháng, sâu đục thân có thể phát sinh 4-5 lứa gây hại, song tác hại nặng nhất thường là mấy tháng đầu từ khi cây mía mới mọc cho tới khi có 4-5 lóng. Để hạn chế thiệt hại do sâu đục thân gây ra, nhiều lão nông trồng mía ở huyện Phụng Hiệp đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc phòng trừ đạt hiệu quả.

Ông Trần Quốc Việt, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Để phòng trừ sâu đục thân mía có hiệu quả, bà con nên sử dụng những hom giống khỏe, không có mầm mống sâu bệnh. Sau khi thu hoạch mía xong, tiến hành dọn vệ sinh đồng ruộng, cày rạch hàng hai bên gốc mía, kết hợp trộn phân hữu cơ với thuốc trừ sâu dạng hạt bón sát gốc và lấp đất trở lại cho hiệu quả phòng ngừa sâu đục thân trong 4-5 tháng đầu rất tốt.

Các tháng tiếp theo cần theo dõi diễn biến phát sinh, phát triển của sâu để phun thuốc kịp thời ngay từ đầu để diệt sâu trưởng thành, trứng và sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao. Đặc biệt, trong thời gian cây mía đang sinh trưởng, thường xuyên bóc các lá già để tạo sự thông thoáng. Nếu nơi nào bà con ít đánh lá mía thì nơi đó có tỷ lệ nhiễm sâu đục thân cũng như các loại dịch hại khác sẽ nhiều…”.

Thực tế cho thấy, trong tổng số hơn 400ha mía bị nhiễm dịch hại đến thời điểm này thì phần lớn diện tích này tập trung tại vùng mía thành phố Vị Thanh. Nguyên nhân là do bà con nơi đây có tập quán trồng mía chỉ đánh lá 2 lần/vụ, trong khi tại vùng mía Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nông dân thường bóc lá từ 4-5 lần/vụ.

Từ việc vệ sinh cho cây mía chưa được quan tâm nhiều nên tình hình sâu bệnh tại vùng mía thành phố Vị Thanh thường nhiều hơn các vùng mía khác và kéo theo hệ lụy là năng suất đạt thấp, chữ đường giảm do lẫn nhiều tạp chất. Chị Thái Thị Kiều, ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Do khó kiếm nhân công nên gia đình tôi cũng như bà con nơi đây thường đánh lá mía 2 hoặc 3 lần/vụ. Từ khi xuống giống đến giờ đã đánh lá được một lần, tính ít bữa nữa sẽ đánh lần 2 rồi để đến thu hoạch luôn”.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, vụ mía năm nay do bà xuống giống sớm hơn so với cùng kỳ và thời tiết tương đối thuận lợi nên hầu hết các diện tích mía đều phát triển tốt. Tuy nhiên, với tình hình sâu bệnh đang có xu hướng phát triển mạnh do bắt đầu vào mùa mưa như hiện nay, để đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con cần có những biện pháp chủ động phòng ngừa, thường xuyên thăm ruộng mía (trong đó chú ý đến đối tượng sâu đục thân) để kịp thời phát hiện và phòng trừ nhằm hạn chế sự lây lan. Bên cạnh sử dụng thuốc hóa học thì biện pháp hữu hiệu nhất là bà con nên bóc lá mía thường xuyên để tạo ruộng mía thông thoáng và tiêu hủy các lá bị bệnh, từ đó sẽ đạt hiệu quả cao hơn…


Nguồn sống cho vùng đất lúa Nguồn sống cho vùng đất lúa Bắc Quang đổi mới hình thức tuyên truyền về Nông thôn mới Bắc Quang đổi mới hình thức tuyên truyền…