Mô hình kinh tế Tăng Tốc Xuất Khẩu Gạo, Kích Giá Thị Trường

Tăng Tốc Xuất Khẩu Gạo, Kích Giá Thị Trường

Ngày đăng 08/06/2013

Tăng Tốc Xuất Khẩu Gạo, Kích Giá Thị Trường

Tại buổi họp báo về tiêu thụ và xuất khẩu gạo tháng 6 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4-6 ở TPHCM, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thu hoạch, tiêu thụ và xuất khẩu khi lúa hè thu vùng ĐBSCL sắp vào thời vụ thu hoạch chính.

Hạn chế thiệt hại cho nông dân

Trong bối cảnh thị trường thế giới người mua nhiều hơn người bán vào tháng 7 và tháng 8, VFA cho biết, những ngày tới Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể về vấn đề này, cơ bản là sẽ mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn lúa quy gạo từ 15-6 đến 31-7. Với tình hình gạo đông xuân xuất khẩu thời điểm hiện nay doanh nghiệp (DN) bị lỗ 25 - 30 USD/tấn, không DN nào chịu mua tiếp nên VFA sẽ chỉ định và giao chỉ tiêu DN mua vì không thể bỏ mặc người trồng lúa. Người trồng lúa có thể lời ít hơn nhưng không dưới giá thành.

Với giải pháp thị trường, VFA chấp nhận giảm giá và tăng tốc xuất khẩu để kích giá trong nước tăng lên. Với giải pháp này, DN tiếp tục chịu lỗ nhưng sẽ tạo được sự luân chuyển lúa gạo trên thị trường, nhằm trước hết là không để giá giảm thêm nữa thay vì để nằm trong kho chờ giá lên. Thời điểm này chưa nên đặt vấn đề lời 30% hay không mà là làm sao bán được lúa gạo.

Vì vậy, để giữ được giá lúa gạo không giảm mạnh việc mua tạm trữ phải thật sự rốt ráo nhằm kích hoạt thị trường, cộng với việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp cho giá cả sẽ ở mức chấp nhận được. Chính phủ cũng khuyến khích DN mua tạm trữ càng nhanh càng được hưởng hỗ trợ giá. Thời gian hỗ trợ lãi suất chỉ có 3 tháng cố định, nếu mua càng sớm sẽ được hưởng đủ 3 tháng, mua chậm thời gian hỗ trợ sẽ giảm xuống.

Tìm thêm thị trường

Chu kỳ đi xuống của nông sản nói chung và với hạt gạo nói riêng hiện ở vào thời điểm mà nhiều chuyên gia cho là lượng gạo tồn kho các nước ở mức khổng lồ. Tiêu biểu như Thái Lan khoảng 17 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 35 triệu tấn. 2 điểm sáng hiện nay là thị trường Trung Quốc và châu Phi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, năm 2013 Trung Quốc sẽ là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, khoảng 3 triệu tấn. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, Trung Quốc nhập khẩu gạo trước hết là để giúp giảm và ổn định thị trường gạo trong nước. Vì vậy, họ chỉ mua gạo Việt Nam khi giá thấp hơn gạo Thái Lan vài chục USD/tấn; nếu gạo thường họ sẽ mua của Myanmar được bán với giá thấp nhất thế giới.

Các quốc gia châu Phi cũng được dự báo năm 2013 sẽ nhập khẩu gạo nhiều hơn 2012. Thị trường các nước này nhập khẩu mỗi năm 6,4 - 6,5 triệu tấn gạo các loại. Do vậy, VFA cho biết sẽ tìm cách mở rộng thêm các thị trường từ châu Phi thay vì giới hạn một số nước để tăng thêm lượng gạo xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng cấp Chính phủ được khoảng 1,1 triệu tấn. Do vận chuyển xa nên những nước này chỉ chấp nhận mua gạo Việt Nam với giá thấp hơn Ấn Độ.

Cái khó của thị trường châu Phi là vấn đề thanh toán. Ông Trương Thanh Phong cho rằng, nếu chúng ta giữ được giá lúa gạo trong nước không xuống quá thấp đến hết tháng 7 có thể nói là thành công. Vì thời điểm đó trở đi thị trường gạo thế giới bắt đầu nhộn nhịp trở lại, không loại trừ một số nước nhập khẩu truyền thống ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia sẽ mua gạo trở lại.


Australia Xem Xét Nhập Khẩu Vải Thiều Việt Nam Australia Xem Xét Nhập Khẩu Vải Thiều Việt… Trồng Màu Trên Bờ Bao Vuông Tôm Nhiều Hộ Dân Tăng Thu Nhập Trồng Màu Trên Bờ Bao Vuông Tôm Nhiều…