Mô hình kinh tế Tăng Tỷ Trọng Chăn Nuôi Trong Nông Nghiệp Ở Chương Mỹ (Hà Nội)

Tăng Tỷ Trọng Chăn Nuôi Trong Nông Nghiệp Ở Chương Mỹ (Hà Nội)

Ngày đăng 23/03/2013

Tăng Tỷ Trọng Chăn Nuôi Trong Nông Nghiệp Ở Chương Mỹ (Hà Nội)

Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của đồng bằng châu thổ, vừa có đặc trưng của vùng bán sơn địa với núi, sông, bãi, hồ, hang động. 
Từ cuối năm 2001, huyện đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, phá thế độc canh cây lúa để tiến tới đa canh, thích ứng với địa hình của địa phương. Hiện tại, toàn huyện đã quy hoạch được khoảng 270 trang trại chuyên nuôi gà, có quy mô từ 5.000 đến 12.000 con/trại và hơn 10 trang trại chuyên nuôi lợn, có quy mô từ 5.000 đến 10.000 con/trại, tập trung chủ yếu ở 12 xã vùng đồi gò và 6 xã vùng bãi. Tất cả các trang trại này đều đã được huyện phê duyệt quy hoạch và sẽ được đầu tư hạ tầng cơ sở như: hệ thống đường, điện, nước... Thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt cho huyện một khu chăn nuôi tập trung kết hợp với nuôi trồng thủy sản rộng 84 ha tại xã Thanh Bình, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 43 tỷ đồng, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Đến nay, người dân đã tự đầu tư một số hạng mục, trị giá khoảng hơn 30 tỷ đồng; còn nguồn vốn của thành phố vẫn chưa được bố trí. 
Song song với việc quy hoạch các trang trại, công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được huyện đặc biệt quan tâm. Tháng nào Trạm Thú y huyện cũng tổ chức giao ban với Trưởng ban Chăn nuôi thú y các xã, thị trấn; triển khai công tác tiêm phòng và vệ sinh môi trường đúng kế hoạch. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên thuộc mạng lưới chăn nuôi, thú y. Mỗi năm tiêm hàng vạn liều vắc xin phòng, chống các bệnh cúm, tai xanh, lở mồm long móng... cho đàn gia súc, gia cầm; sử dụng hàng nghìn lít thuốc và hàng nghìn ngày công lao động cho công tác vệ sinh tiêu độc môi trường.

Vệ sinh chuồng trại được người chăn nuôi rất quan tâm. Sau mỗi lứa, các chủ hộ chăn nuôi, chủ trang trại đều dành ít nhất 30 ngày để tiến hành rắc vôi bột, khử trùng chuồng trại theo đúng quy trình, sau đó mới nuôi lứa mới. Việc quản lý người ra, vào cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Tất cả những người ra, vào trang trại đều phải có bảo hộ lao động và thực hiện nghiêm công tác vệ sinh thú y. Chính vì vậy, trong suốt 10 năm qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ không xảy ra dịch bệnh lớn; các ổ dịch nhỏ đều được phát hiện, khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để lan ra diện rộng. Từ đó, người chăn nuôi yên tâm sản xuất; đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng và tất cả các hộ làm nghề chăn nuôi đều khá giả, có tích lũy. Đến nay, tổng đàn lợn thường xuyên duy trì ở số lượng trên 100.000 con; đàn gà từ 2 đến 2,5 triệu con, trong đó đàn gà đẻ chiếm khoảng 20 - 30%... nâng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp của huyện lên 54 - 58%, đạt giá trị hơn 500 tỷ đồng. 
Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, khó khăn nhất hiện nay đối với nghề chăn nuôi của địa phương là đầu ra không ổn định. Trước đây, hầu hết các chủ hộ, chủ trang trại chăn nuôi lợn, gà của huyện Chương Mỹ nuôi cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP Việt Nam), đầu ra khá ổn định, nhưng giá luôn thấp hơn ngoài thị trường. Do đó, nhiều chủ hộ, chủ trang trại không nuôi cho Công ty CP Việt Nam, tự sản xuất, tiêu thụ.

Hiện toàn huyện còn khoảng 50% số hộ, trang trại nuôi gà cho Công ty CP Việt Nam và 50% tự sản, tự tiêu; còn chăn nuôi lợn thì hầu hết vẫn nuôi cho Công ty CP Việt Nam. Thế nhưng, toàn huyện mới chỉ có gia đình anh Nguyễn Đình Tiên (xã Đại Yên) là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình và xây dựng được chuỗi an toàn, từ sản xuất đến tiêu thụ; còn lại đều tự sản, tự tiêu, giá cả bấp bênh, không ổn định, khi giá lên thì lãi nhiều, giá xuống thì chẳng có lãi, thậm chí còn bị lỗ. Ngay tại thời điểm này, người chăn nuôi đang bị lỗ nặng. Hiện các chủ hộ, chủ trang trại đang bán ra thị trường 1.500 đồng/quả trứng gà, trong khi đó giá thành sản xuất ra một quả trứng lên tới 1.900 đồng. Giá gà thương phẩm cũng nằm trong tình trạng giá bán thấp hơn giá thành. 
Để nghề chăn nuôi phát triển bền vững, ổn định, ngoài việc quy hoạch khu chuồng trại tập trung, xa khu dân cư, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ cần giúp đỡ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình; đồng thời sớm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.


Phát Triển Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Dê Núi Ở Lạng Sơn Phát Triển Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi… Dịch Tai Xanh Bùng Phát Ở Một Số Tỉnh Miền Trung Dịch Tai Xanh Bùng Phát Ở Một Số…