Mô hình kinh tế Tạo hướng vững chắc cho trái cây Việt Nam tham gia TPP

Tạo hướng vững chắc cho trái cây Việt Nam tham gia TPP

Ngày đăng 12/10/2015

Tạo hướng vững chắc cho trái cây Việt Nam tham gia TPP

Vùng trồng dứa VietGAP ở Tân Phước - Tiền Giang.

Diện tích cây ăn quả của Việt Nam hiện đạt 786 nghìn ha, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, đạt 298 nghìn ha (chiếm 37,9% tổng diện tích cây ăn quả cả nước);

Vùng Đông Nam Bộ đứng hàng thứ hai, với diện tích 187 nghìn ha (chiếm 23,8% tổng diện tích cây ăn quả cả nước).

Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả có tốc độ phát triển chậm (chỉ hơn 1% năm). Tuy nhiên, nhờ tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao…, nên năng suất và sản lượng cây ăn quả tăng trưởng mạnh (3 - 4%/năm).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, rải vụ, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành cây ăn quả.

Những chính sách trên đã thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, đặc biệt là việc phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững như ban hành tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP... đã tạo điều kiện cho người sản xuất, người tiêu dùng chú ý nhiều hơn về sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định, hướng đến một nền sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo tâm lý an tâm hơn cho người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam.

Theo đó, Nhà nước cũng đã đầu tư cho các Viện nghiên cứu về giống, biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất.

Ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đầu tư khá nhiều cho sản xuất trái cây, doanh nghiệp từng bước tham gia vào lĩnh vực này để lo đầu ra.

Điều này cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng năm luôn tăng và là mặt hàng có giá trị xuất siêu (lấy mốc từ năm 1996, Việt Nam chỉ xuất được 90,2 triệu USD/năm, nhưng đến năm 2008, chúng ta đã vượt mốc 400 triệu USD, năm 2011 vượt 600 triệu USD, năm 2012 lên hơn 800 triệu USD, rồi năm 2013, Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD và ước tính năm 2014, nước ta đạt 1,47 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2013;

Trong 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu rau quả khoảng 882 triệu USD (Hiệp hội rau quả, 2014). Theo Cục BVTV, năm 2014, Việt Nam có 40 chủng loại quả được xuất đến thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).

Trong Quy hoạch phát triển cây ăn trái, Bộ NN-PTNT chú trọng đến 12 cây ăn quả chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257 nghìn ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam Bộ.

Trong đó, vùng ĐBSCL hơn 185 nghìn ha, vùng Đông Nam Bộ 72 nghìn ha. Xoài là loại cây có diện tích trồng tập trung lớn nhất với gần 46 nghìn ha, tiếp đó là nhãn 30 nghìn ha, chuối 29 nghìn ha, bưởi 28 nghìn ha, cam 26 nghìn ha, thanh long 25 nghìn ha, dứa 21 nghìn ha, chôm chôm 18 nghìn ha, sầu riêng 15 nghìn ha, mãng cầu 8.300 ha, quýt 5.850 ha và vú sữa 5.000 ha…

Theo quy hoạch này, Bộ NN-PTNT đã đặt ra hai mục tiêu: Xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài, với mục tiêu đến năm 2020 như sau:

Năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 20% - 25% so với năm 2012; 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP;

Thực hiện biện pháp rải vụ thu hoạch năm loại trái cây là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn để tăng hiệu quả sản xuất;

Tăng chủng loại, sản lượng và giá trị trái cây xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Nam Bộ lên trên 70%. Giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực tập trung đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm;

Đồng thời, phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực trồng tập trung góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho người sản xuất và hiệu quả kinh doanh của các cơ sở thu mua, bảo quản, tiêu thụ trái cây.

Điều đáng phấn khởi, đầu năm 2015, hàng loạt mặt hàng xuất nhập khẩu đã được giảm thuế theo cam kết của tám Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được thực hiện đầy đủ từ 2015 - 2018, và mới đây, chúng ta đàm phán, gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết như FTA với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc... sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng rau quả Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu đi khắp thế giới sau khi hàng rào thuế quan được cắt giảm.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra không ít thách thức trong cạnh tranh với các nước sản xuất có cùng ngành hàng trong khu vực.

Bởi vậy, Nhà nước cần Quy hoạch tổng thể, các tỉnh nên cụ thể hóa cho tỉnh mình, chọn một vài sản phẩm chủ lực;

Nhà nước nên cho cơ chế liên kết vùng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ưu tiên vùng ĐBSCL và cả phía Nam (vùng sản xuất quả chủ lực của Việt Nam).

Cơ chế quản lý vùng (bộ máy quản lý vận hành được cho cả vùng).

Tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất (doanh nghiệp sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế thế nào để việc chia sẽ lợi nhuận mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất;

Có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp lớn, có tâm huyết với ngành, đặc biệt là cơ chế ưu đãi vốn cho người sản xuất;

Tạo điều kiện để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm trái cây (Hiện nay, nhãn hiệu hàng hóa cho từng vùng, thương hiệu riêng lẻ cho từng doanh nghiệp nên Nhà nước không thể hỗ trợ quảng bá cho từng doanh nghiệp được);

Có cơ chế ưu đãi trong vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu (cuớc vận chuyển hiện nay khá cao so với các nước lân cận);

Nhà nước chú trọng nhiều hơn trong nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản trái tươi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, nhập công nghệ để tạo nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây.

Nghiên cứu tìm hiểu thị trường xuất khẩu để quay lại hỗ trợ sản xuất;

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán và ký kết với các nước để mở rộng thêm nhiều loại cây ăn quả khác được nhập khẩu vào các thị trường khó tính;

Đầu tư nhiều hơn trong việc xây dựng mô hình thực tế liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái cây, tổ chức hội thi để chọn ra mô hình hay nhất và từ đó nhân rộng ra;

Lập hiệp hội cụ thể cho từng cây có thế mạnh (thanh long, xoài, nhãn…).


Trồng xen chanh dây trong vườn cao su cho thu nhập cao Trồng xen chanh dây trong vườn cao su… Sa Pa phát triển bền vững vùng trồng su su hàng hóa Sa Pa phát triển bền vững vùng trồng…