Tin nông nghiệp Tạo những mùa vàng nhờ thâm canh tiêu theo hướng bền vững

Tạo những mùa vàng nhờ thâm canh tiêu theo hướng bền vững

Tác giả Hưng Thịnh, ngày đăng 16/02/2017

Tạo những mùa vàng nhờ thâm canh tiêu theo hướng bền vững

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi theo hướng thâm canh bền vững, nhiều nông dân trồng tiêu tại Đắk Nông đang liên tiếp thu hoạch những “mùa vàng”. Chất lượng hạt tiêu ngày càng được nâng cao và nông dân cũng thích ứng tốt hơn với hạn hán ngày càng gay gắt hiện nay. Chuyển sang sinh học, nhiều lợi ích 

Trong ảnh: Người dân xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Ông Bùi Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, địa phương có diện tích, sản lượng tiêu thuộc diện cao nhất tỉnh Đắk Nông cho biết, cách đây khoảng 5 năm, nhiều nông dân trong xã bắt đầu chuyển đổi sang trồng tiêu theo hướng sinh thái, thân thiện môi trường và thu được nhiều lợi ích rõ ràng. 

“Quy trình” chuyển đổi bắt đầu bằng việc sử dụng các loại cây sống làm trụ tiêu thay cho trụ chết (tức trụ bằng gỗ, bê tông…). Kế đến, nông dân tập trung sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân chuồng (bò, dê, gà) thay cho các loại phân bón hóa học. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được chuyển đổi mạnh bằng việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học để phun, xịt cho tiêu. 

“Người dân bắt đầu chuyển đổi mạnh khi tình trạng dịch bệnh trên tiêu ngày càng hoành hành. Cách đây khoảng 3 năm, khoảng 30% diện tích vườn tiêu tại xã bị chết. Việc chuyển đổi sang canh tác theo hướng sinh thái đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nổi bật nhất là chấm dứt hẳn tình trạng tiêu chết hàng loạt” , ông Bùi Ngọc Thịnh nhấn mạnh. 

Thực tế, canh tác hướng sinh thái giúp nhiều nông dân trồng được tiêu với quy mô lớn hơn nhờ giảm các yếu tố đầu vào, nhất là chi phí cho trụ tiêu, vốn chiếm trên 50% chi phí đầu tư. Để so sánh, một trụ chết, bằng gỗ hoặc bê tông có giá trên dưới 200.000 đồng, trong khi mỗi trụ bằng cây sống chưa tới 10.000 đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, một hộ dân trồng tiêu có đến 22ha tại xã Nâm N’Jang và một số địa phương lân cận của huyện Đắk Song cho biết, gia đình ông chuyển đổi sang trồng tiêu sinh thái hơn 4 năm nay, sau khi xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng nghìn gốc trong vườn và các hộ dân lân cận cũng xuất hiện tình trạng tương tự. 

Ông Hải cho rằng quy trình trồng tiêu sinh học hiện nay vẫn còn mới và cần hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, các lợi ích rõ ràng là chất lượng hạt tiêu ngày càng cao, cây tiêu được bóng mát phủ quanh năm nên xanh tốt, năng suất ổn định. Nông dân cũng hạn chế phần nào chi phí đầu tư nhờ giảm được lượng nước tưới vào mùa khô. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Thành, một nông dân trồng tiêu kỳ cựu tại xã Nâm N’Jang cho biết, tiêu canh tác theo hướng sinh học có năng suất thấp hơn, bình quân khoảng 4kg tiêu khô/trụ so với 6kg/trụ trước đây. Tuy nhiên, năng suất của tiêu sinh học ổn định hơn. Năm vừa qua, vườn tiêu trồng trụ sống của gia đình ông chỉ phải tưới 2 lần vào mùa nắng, giảm một nửa so với các vườn trồng bằng trụ gỗ, bê tông. 

Chú trọng đa canh, thâm canh 

Ông Nguyễn Thành Khang, một hộ dân trồng tiêu tại xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp khẳng định, tiêu là loại cây có giá trị kinh tế cao và đây là loại cây làm giàu của nông dân trong mấy năm gần đây. 

Hiện gia đình ông có hơn 4ha đất trồng xen canh tiêu với cà phê và một số loại cây trồng khác. Kinh nghiệm hơn 10 năm trồng xen cho thấy năng suất trồng xen không bằng chuyên canh nhưng sản lượng ổn định và gần như không có tình trạng tiêu bị chết đột ngột do dịch bệnh, nắng hạn. 

Tương tự, ông Lê Quang Vinh, một nông dân xã Đắk Wer cũng cho rằng, việc trồng xen canh là xu hướng tất yếu giúp nông dân thích ứng với tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt và các diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu hiện nay. “Tiêu là loại cây khá “nhạy cảm”, dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các hiện tượng thời tiết bất thường. Trồng xen canh là cách tốt nhất giúp hạn chế nguy cơ thiệt hại cho nông dân” , ông Vinh nhận định. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, cán bộ khuyến nông xã Đắk Wer, trên cùng đơn vị diện tích, hiệu quả kinh tế từ cây tiêu có năm cao gấp 4 - 5 lần so với cà phê. 

Tuy nhiên, trồng cà phê thì gần như không bị rủi ro do dịch bệnh, trong khi trồng tiêu chuyên canh thì nguy cơ rất cao nên địa phương luôn khuyến cáo nông dân cẩn trọng. Thực tế thời gian qua, những vườn tiêu canh tác theo hướng sinh học hoặc xen canh đều cho thu nhập ổn định và bền vững hơn. 

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh hơn 

Ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho rằng, canh tác theo hướng an toàn sinh học là xu hướng tất yếu của nông dân trồng tiêu nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. 

Trên địa bàn xã thời gian qua cũng đã có nhiều hộ dân chuyển đổi mạnh mẽ và đạt được hiệu quả rõ rệt. Nhiều trang trại, hộ nông dân trồng tiêu với quy mô lớn cũng đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chứng nhận này. Kết quả là sản phẩm bán ra thị trường có giá cao hơn và đầu ra cũng được đảm bảo hơn. 

Hiện nay, UBND xã Nâm N’Jang đang phối hợp với các ngành chức năng huyện, tỉnh xây dựng một số mô hình điểm, hợp tác xã sản xuất tiêu sạch và vận động người dân tham gia. Phương hướng của xã là huy động tối thiểu 50% nông dân trong xã tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng tiêu theo quy trình an toàn sinh học, hướng tới tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu cho cây tiêu Nâm N’Jang. 

Ông Phạm Quang Vượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Rlấp, địa phương hiện có khoảng 6.000 ha tiêu cho biết, huyện cũng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi canh tác tiêu theo hướng an toàn sinh học. 

Hiện đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, phối hợp với nông dân. Phương hướng của huyện là nâng cao chất lượng hạt tiêu, tiến tới xây dựng thương hiệu để có giá bán cao và đầu ra ổn định hơn cho nông dân, nhất là trong bối cảnh diện tích và sản lượng tiêu của Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung đang tăng rất mạnh. 

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông lưu ý, người dân cần chú trọng lựa chọn các vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp và chú trọng quy trình canh tác để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao từ cây tiêu. Tránh tình trạng trồng tiêu tại các khu vực không phù hợp về điều kiện đất đai, nước tưới như vừa qua. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Đắk Nông cũng khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi sang canh tác tiêu theo hướng an toàn sinh học, bền vững, vừa an toàn cho sức khỏe người trồng và người tiêu thụ sản phẩm. Thực tế thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp, trang trại làm được tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và có đầu ra ổn định, xuất khẩu trực tiếp đến thị trường khó tính và có hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. 

Có thể nói, khoảng 5, 7 năm trở lại đây, tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất tại Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây nguyên nói chung. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh canh tác tiêu theo hướng an toàn sinh học, bền vững là ưu tiên của ngành nông nghiệp nhiều năm nay nhưng các kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và đòi hỏi của thị trường. 

Đây là một vấn đề thực tế đòi hỏi sự chung tay của từng nông dân trồng tiêu, các ngành chức năng và chính quyền các cấp, để đảm bảo cây tiêu tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tiếp tục giữ vững vị thế là mặt hàng nông sản thế mạnh của cả nước.


Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững… 'Trở tay không kịp' vì bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu 'Trở tay không kịp' vì bệnh chết nhanh…