Thăm vườn vải thiều xuất khẩu sang Mỹ
Chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các chủ vườn tốn nhiều công sức hơn so với cách làm thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm tạo ra lại có hương vị ngọt mát hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, nhất là đối với thị trường Mỹ và các nước tiên tiến khác.
Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vườn vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Khi nhiều vườn vải sớm của các gia đình khác đang nhộn nhịp cảnh thu hái thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) lại khẩn trương hoàn tất những công đoạn chăm sóc cuối cùng cho diện tích vải thiều canh tác theo quy trình GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và một số nước có thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc...
Khoảng 15- 20 ngày nữa, vườn vải của gia đình chị Hồng mới cho thu hoạch. Vải thiều xuất khẩu sang thị trường khó tính phải là giống vải ta chín vào chính vụ; có hương vị ngọt mát, hạt nhỏ, cùi dày hơn so với loại vải khác. “Lúc đầu chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP thấy khó khăn vì khác với thói quen canh tác trước đây, nhưng đến nay do được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chu đáo, chúng tôi thấy dễ dàng hơn nhiều”, chị Hồng chia sẻ.
Theo các chủ vườn, việc chăm sóc vải theo quy chuẩn quốc tế tốn nhiều công hơn so với cách thông thường. Ví như, không được trồng xen cây khác; chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai mục; không chăn thả súc vật dưới tán vải; không sử dụng thuốc diệt cỏ mà phải dùng máy hoặc tay để dọn cỏ trong vườn; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược, thời gian cách ly từ khi phun đến thu hoạch 15-17 ngày.
Tuy nhiên, do sản phẩm sạch nên trái vải luôn ngon, giá bán cao hơn 10% giá thị trường. Nhiều khách đã tìm đến tận vườn đặt mua trước để làm quà cho người thân. Ông Phạm Văn Tuyên, một khách hàng ở huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm nào tôi cũng đến mua vải của gia đình chị Hồng để làm quà biếu cho bạn bè, người thân ở xa, vì chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP vải thiều có hương vị rất ngon”.
Mặc dù năm nay nhiều diện tích vải thiều của các hộ xung quanh bị mất mùa, sản lượng giảm nhưng vườn vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn sai trĩu quả.
Cũng như nhiều hộ chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong xã, vụ vải thiều năm 2016, gia đình chị Hồng thu được 12 tấn quả, giá trị hơn 300 triệu đồng. Vụ vải thiều năm nay, mặc dù nhiều hộ khác bị mất mùa, sản lượng giảm, song gia đình chị vẫn cho năng suất cao, ước đạt bằng năm trước. Với giá bán như hiện nay, từ 30-35 nghìn đồng/kg, gia đình chị sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng. “Chúng tôi thường xuyên động viên và chỉ đạo các hộ trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP cam kết chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường khó tính”, ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết.
Từ năm 2015, một số hộ trồng vải ở xã Hồng Giang đã được cơ quan chức năng cấp mã số thực hiện sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, diện tích 100 ha. Đến nay, số diện tích vải thiều chăm sóc theo tiêu chuẩn này của toàn huyện Lục Ngạn đã tăng lên 218 ha. Đây là cơ hội tốt để vải thiều Bắc Giang nói chung, Lục Ngạn nói riêng tiếp tục khẳng định giá trị của mình trên thị trường quốc tế, củng cố niềm tin với người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ