Mô hình kinh tế Thắng Lợi Trong Gian Khó

Thắng Lợi Trong Gian Khó

Ngày đăng 02/01/2015

Thắng Lợi Trong Gian Khó

Năm 2014, dù thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh liên tục bùng phát nhưng nhờ ngành liên quan, chính quyền các địa phương và nông dân nỗ lực thực hiện hàng loạt biện pháp đối phó nên sản xuất nông nghiệp đã giành được nhiều thắng lợi…

Lúa được mùa toàn diện

Theo ngành nông nghiệp, năm qua nông dân toàn tỉnh xuống giống tổng cộng 87.396ha lúa. Do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng cực đoan, rõ nhất là tình trạng nhiễm mặn trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàn Thạch… diễn ra sớm, nồng độ cao và xâm nhập sâu vào nội địa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất ở hạ du.

Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi điểm lại, trong năm 2014 mặn xuất hiện ngay từ đầu tháng 1 và kéo dài suốt nhiều tháng sau. Để chủ động ứng phó, Sở NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương tích cực xây dựng hàng loạt phương án phòng chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo đó, bên cạnh việc tính toán cân đối lượng nước, vận động nông dân tưới tiết kiệm, kiện toàn các tổ thủy nông cơ sở thì với số tiền hơn 19 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp, các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp công trình như đắp đập ngăn mặn, nạo vét lòng sông, kênh dẫn, bể hút và gia cố, sửa chữa hệ thống đập dâng cũng như lắp đặt hàng trăm máy bơm dã chiến…

Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên năm 2014 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 56,86 tạ/ha, tăng gần 4 tạ so với năm 2013. Đây là năm được mùa toàn diện trong cả 2 vụ sản xuất”.

Sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đã được nhiều địa phương triển khai tích cực trong năm qua. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, hiện nay toàn huyện có 1.500ha đất chuyên sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai theo hướng hàng hóa.

Thực tế cho thấy, mỗi vụ 1ha đất sản xuất giống lúa thuần cho nông dân mức thu nhập 60 triệu đồng, còn lúa lai thì 110 - 120 triệu đồng. Ông Mẫn nói: “Nếu so với làm lúa thương phẩm thì sản xuất lúa giống hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng 30 - 50%”.

Thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương khác như Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành… cũng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất mỗi vụ 800 - 1.000ha lúa giống. Hằng năm, 1ha cho giá trị 120 - 200 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, nhờ dốc sức cải tạo đồng ruộng, xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nên đến thời điểm này toàn huyện đã hình thành được hàng trăm mô hình chuyên canh, luân canh các loại rau đậu và cây trồng cạn chủ lực theo hướng tập trung với tổng diện tích 800ha đất.

Bình quân mỗi năm 1ha cho giá trị 110 - 150 triệu đồng, cá biệt có một số vùng chuyên trồng rau ăn lá ở xã Tam An thu về 200 triệu đồng/ha/năm. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000ha đất màu canh tác cây công nghiệp ngắn ngày theo mô hình cánh đồng có thu nhập cao.

Chăn nuôi vượt khó

Nhờ được hỗ trợ một số khâu quan trọng, tiếp cận dễ dàng với nhiều nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm luôn ổn định và ở mức cao nên thời gian qua phong trào nuôi bò theo hướng thâm canh, bán thâm canh phát triển rất mạnh tại nhiều địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến giữa tháng 12.2014 tổng đàn bò của Quảng Nam là 144 nghìn con. Gần đây, nhờ người dân đặc biệt chú trọng cải tạo chất lượng con giống nên hiện nay tỷ lệ bò lai trên toàn tỉnh chiếm hơn 40%. Cá biệt có một số huyện có tỷ lệ bò lai rất cao như Điện Bàn 72%, Hiệp Đức 77%, Đại Lộc 80%...

Hiện toàn tỉnh đã hình thành được gần 400 trang trại chăn nuôi bò đàn với quy mô 25 - 65 con/mô hình. Mỗi năm một trang trại cho lãi ròng 100 - 300 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Tấn Đức, trong năm 2014 dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 bùng phát 2 đợt tại 10 xã của 5 huyện gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc khiến 20.233 con gia cầm nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. Không chỉ vậy, dịch lở mồm long móng cũng xuất hiện ở 13 xã thuộc 8 huyện là Hiệp Đức, Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc, Nam Giang, Duy Xuyên, Phú Ninh, Núi Thành làm 149 con gia súc mắc bệnh. Tuy nhiên, nhờ cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các cấp quyết liệt triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nên hầu hết ổ dịch chỉ gây hại trên diện hẹp và sớm được dập tắt.

Theo ông Đức, bên cạnh việc dự trữ và cung ứng kịp thời nguồn vắc xin để tiêm phòng cho vật nuôi thì ngay từ đầu năm 2014 lực lượng thú y đã chủ động lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm để chẩn đoán bệnh và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng dịch.

Đồng thời ngành nông nghiệp tỉnh cũng chi viện cho 18 huyện, thành phố 11.929 lít hóa chất để duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc. “Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, giá thu mua sản phẩm cao nên năm 2014 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, đàn bò tăng 700 con, trâu tăng 807 con, heo tăng 21.815 con và gia cầm tăng 380.000 con” - ông Đức nói.


Triển Vọng Mô Hình Nấm Linh Chi Đỏ Triển Vọng Mô Hình Nấm Linh Chi Đỏ Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Xuân Lộc Phát Huy Vai Trò Quản Lý Vì Mục Tiêu Phát Triển Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Xuân Lộc Phát…