Tin nông nghiệp Thầy giáo trẻ giỏi trồng chuối tiêu

Thầy giáo trẻ giỏi trồng chuối tiêu

Tác giả Hằng Phạm Thanh, ngày đăng 16/04/2021

Thầy giáo trẻ giỏi trồng chuối tiêu

Anh Đăng đã trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả như táo, cam, bưởi, nhưng cuối cùng chọn cây chuối để phát triển do nhiều lợi thế.

Anh Nguyễn Hồng Đăng bước đầu bén duyên với cây chuối và đang mong muốn mở rộng cây trồng này lên quy mô lớn, sản xuất chuyên môn hóa cao. Ảnh: Thanh Hằng.

Là giáo viên dạy toán cấp THPT nhưng anh Nguyễn Hồng Đăng ở xóm Vố, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) lại có niềm đam mê dành cho nông nghiệp. Sau những giờ dạy ở trường, anh Đăng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi các mô hình trồng cây nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Anh đã trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả như táo, cam, bưởi nhưng nhận thấy hiệu quả mang lại không cao, trong khi thời gian thu hoạch lâu, tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư lớn, đầu ra không ổn định.

Sau khi nghiên cứu, anh biết cây chuối tiêu hồng cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Giống chuối hiện nay lại được đảm bảo do nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, sạch bệnh, có độ đồng đều cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh.

Bên cạnh đó, chuối sau khi thu hoạch sẽ đẻ ra nhiều cây con nên không phải lo trồng lại. Cây chuối chủ yếu sử dụng phân chuồng đã hoai mục nên rất dễ tìm mua và đảm bảo yếu tố sạch, vốn là tiêu chí chọn lựa hàng đầu của người tiêu dùng.

Nhận thấy những ưu điểm này, đầu năm 2020, với diện tích đất đấu thầu 3 ha tại xóm Vố, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, anh Đăng đã liên kết với HTX chuối Viba tại huyện Lương Sơn để trồng toàn bộ chuối tiêu hồng.

Trước khi thực hiện, bên cạnh việc được HTX chuối Viba hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, anh Đăng đã đi thăm quan học hỏi các vườn chuối lớn tại các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn… để nắm vững kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro.

Năm 2020, mặc dù gặp khó khăn như thời tiết không thuận lợi, mưa bão, sâu bệnh nhiều, nhưng do nắm vững kỹ thuật và xử lý được sâu bệnh nên vườn chuối sinh trưởng, phát triển tốt.

Những buồng chuối xanh mướt, nặng trĩu được anh Đăng bọc cẩn thận để tránh sương muối và côn trùng phá quả. Từ 3- 5 ngày xuất bán tỉa 1 lần, mỗi lần từ 100- 300 buồng.

Vườn chuối của gia đình anh Đăng đã thu được khoảng 6 nghìn buồng và được HTX chuối Viba bao tiêu sản phẩm với giá trung bình 100 nghìn đồng/buồng. Từ trồng chuối tiêu hồng, năm 2021, gia đình anh Đăng dự kiến thu được khoảng 600 triệu đồng.

Chuối tiêu hồng trồng vụ thứ nhất sau 1 năm là được thu hoạch, từ vụ thứ 2 trở đi 8 tháng thu một lần, thu liên tục trong 2 tháng. Cây được chăm sóc tốt 5 năm mới phải trồng lại.

Anh Đăng chia sẻ, để chuối đạt chất lượng cao nhất, có mẫu mã đẹp cần tuân thủ nhiều yếu tố như: Chọn đất phù hợp, chọn giống tốt (cây chuối giống ghép mô nên mua ở Viện Nghiên cứu Rau quả, đảm bảo 100% là chuối tiêu hồng, không bị lẫn chuối tiêu xanh, không bị sâu bệnh).

Bên cạnh đó, phải luôn luôn đảm bảo đủ nước tưới, đủ phân; không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc sâu gây ảnh hưởng đến chất lượng chuối.     

Chuối là loại cây rễ chùm, ăn nông, mỗi buồng chuối trung bình có 8- 9 nải, nặng khoảng 21- 23 kg/buồng nên cây khó chống đỡ được khi gặp gió lớn. Với đặc thù miền Bắc hay có bão, để giữ cây không bị đổ khi gặp gió lớn cần dùng dây chằng các cây chuối lại với nhau.

Cần tỉa bỏ bớt cây con, chỉ giữ lại 1 cây khỏe mạnh để thay thế cây mẹ. Khi chuối ra hoa, trổ buồng, cần sử dụng túi nilon bọc buồng quả (một đầu buộc kín vào cuống buồng, đầu bên dưới để hở) giúp giữ "lộc" và bảo vệ quả trước tác động của thời tiết, sâu bệnh hại.

Khi vỏ quả chuyển từ màu xanh đậm sang xanh nhạt, quả chuối căng đều không còn gờ cạnh là có thể thu hoạch.

Để mô hình trồng chuối tiêu hồng phát triển bền vững, cùng với việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, anh Đăng cho biết cũng đang rất cần có sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của địa phương như: Tạo điều kiện có vùng đất đủ rộng để phát triển trồng chuối quy mô lớn; áp dụng được cơ giới hóa vào trong quá trình trồng giúp giảm chi phí, nhân công lao động; tận dụng, tiêu thụ được các phụ phẩm từ cây chuối (thân cây, hoa, lá chuối); mỗi khu vực nhỏ có 1 cơ sở sơ chế chuối giảm bớt công vận chuyển…


Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật Sử dụng máy bay không người lái phun… Năng suất tăng, chi phí giảm nhờ canh tác lúa thông minh Năng suất tăng, chi phí giảm nhờ canh…