Mô hình kinh tế Thêm cơ hội cho gạo Việt Nam

Thêm cơ hội cho gạo Việt Nam

Ngày đăng 25/09/2015

Thêm cơ hội cho gạo Việt Nam

Cơ hội cho gạo Việt Nam vẫn rất lớn

Hỗ trợ doanh nghiệp và người trồng lúa

Thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã được gia hạn đến hết ngày 31/10/2015 (không có hỗ trợ lãi suất) thay vì ngày 31/8/2015 như trước đó.

Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm được

Chính phủ đưa ra, góp phần giữ ổn định giá lúa gạo trong nước, hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa gạo, yên tâm sản xuất.

Vì thế, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu tháng 9/2015 đã tăng từ 50 - 100 đồng/kg tùy loại, so với cuối tháng 8. Cụ thể: Giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 4.850 - 4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.300 - 6.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.150 - 6.250 đồng/kg…

Được biết, hoạt động mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2015 được triển khai từ ngày 1/3 đến 15/4/2015, thời gian cho vay tạm trữ trong 6 tháng, đến hết ngày 31/8, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30/6/2015.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao 20 ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo.

Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, đến hết tháng 8 doanh số cho vay chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo năm 2015 đạt khoảng 8.318 tỷ đồng. Thực tế, các ngân hàng thương mại luôn chủ động nguồn tiền cho vay đối với hoạt động thu mua lúa gạo và xuất khẩu mặt hàng này chứ không chỉ tập trung cho vay tạm trữ.

Ước tính đến giữa tháng 4/2015, các ngân hàng thương mại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cho vay thu mua lúa gạo khoảng 34.400 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng vào hợp đồng lớn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) , từ tháng 1 đến hết tháng 8/2015, cả nước đã xuất khẩu được 3,818 triệu tấn gạo với trị giá FOB là 1,591 tỷ USD và trị giá CIF 1,641 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo, với con số đạt được 8 tháng qua thì 4 tháng cuối năm phải đảm bảo xuất được khoảng 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng là hơn 700.000 tấn.

Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đang chờ kết quả mở thầu 750.000 tấn gạo 25% tấm của Philippines. Với những ưu thế nhất định về giá, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang kỳ vọng vào việc trúng thầu lần này, bởi so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan thì giá gạo Việt Nam đang thấp hơn khoảng 15 USD/tấn.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho biết, đến hết tháng 7 năm nay nguồn cung cấp mới mặt hàng gạo ở hầu hết các nước châu Á sẽ bị hạn chế do qua vụ thu hoạch. Riêng Thái Lan, sản lượng gạo dự kiến giảm đến 2 triệu tấn do tình hình khô hạn ảnh hưởng đến gieo trồng.

Trong khi đó, nhiều thị trường nhập khẩu gạo lớn như châu Phi, Tây Á và Philippines vẫn đang gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Vì thế, cơ hội cho gạo của Việt Nam vẫn là rất lớn nếu các doanh nghiệp biết khai thác tốt thị trường, chủ động trong đàm phán hợp đồng.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh với gạo của nhiều nước như :Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và gần đây nhất là Campuchia.


 Đông đúc cò lúa Đông đúc cò lúa Hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP Hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh…