Thí Điểm Ruộng Lúa Bờ Hoa Ở Tháp Mười (Đồng Tháp)
Trạm bảo vệ thực vật huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phối hợp nông dân thí điểm mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” với diện tích hơn 2ha. Các loài hoa được trồng chủ yếu là hoa có màu sắc sặc sỡ, có nhiều phấn hoa để thu hút thiên địch như: cúc Đà Lạt, hoa dừa cạn, sao nhái, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp,...
Mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng hay còn gọi là “Ruộng lúa bờ hoa” được các nhà khoa học đánh giá là bước phát triển đột phá để kiến thiết đồng ruộng, hướng đến mục tiêu nông dân làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện môi trường, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, hạ giá thành sản xuất và tăng phẩm chất nông sản.
Mô hình thử nghiệm được thực hiện trên đất ông Bùi Văn Trẫm (ngụ ấp 3, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười). Hoa được ươm trồng trên bờ ruộng trước khi gieo sạ lúa (thành hàng và xen kẽ nhiều loại hoa khác nhau), Trạm Bảo vệ Thực vật thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến theo dõi, hướng dẫn. Đến thời điểm này, Trạm đã tổ chức 2 lần hội thảo có nhiều nông dân đến tham quan mô hình.
Kỹ sư Trần Đình Đăng Khoa - Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Tháp Mười cho biết, đây là mô hình nhằm mục đích thí điểm cho bà con tham quan, nếu mang lại hiệu quả như mong muốn sẽ tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.
Ông Bùi Văn Trẫm là nông dân tiên phong áp dụng trồng hoa trên bờ ruộng (hoa trồng tự phát, không theo quy trình kỹ thuật). Sau vụ lúa đông xuân, Trạm Bảo vệ Thực vật Tháp Mười phối hợp với ông để trồng thí điểm vụ hè thu. Hiện tại, ruộng lúa của ông Trẫm đã 40 ngày tuổi và chưa phun xịt thuốc trừ sâu lần nào (không tốn chi phí phun thuốc trừ sâu cũng như tiền thuê nhân công phun thuốc) và tiết kiệm được chi phí làm cỏ trên bờ ruộng.
Ông Trẫm chia sẻ: “Ngoài ít tốn chi phí, khi nhìn thấy hoa nở rực rỡ trên bờ ruộng, cảm giác vui vui trong lòng, đỡ mệt hơn, thấy gắn bó với ruộng đồng hơn”.
Theo các nhà khoa học, khi trồng các loại hoa có phấn hoa và mật hoa trên bờ ruộng lúa, có tác dụng làm nơi cư trú cho các loài côn trùng bắt mồi. Hoa còn là nguồn thức ăn bổ sung cho các loài thiên địch trước khi sinh sản như các loài ong kí sinh. Sau khi ăn phấn hoa, mật hoa giàu chất prôtein, ong kí sinh sẽ tìm đến trứng và ấu trùng của rầy nâu để đẻ trứng. Sâu non của ong kí sinh sau khi nở sẽ dùng trứng hoặc ấu trùng rầy nâu làm thức ăn để lớn lên. Do đó, đây là biện pháp kiểm soát rầy nâu ít tốn kém mà mang lại hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ