Thị trường cà phê tháng 10/2019 Giá giảm mạnh 1.100 – 1.600 đồng/kg
Phiên đầu tiên của niên vụ mới giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên trầm lắng, giao dịch quanh mức 32.700 – 33.600 đồng/kg. Sang các tuần tiếp theo, giá tuột dốc mạnh khiến các mức lui về 30.700 - 31.000 đồng/kg, mức thấp kỷ lục. Cuối tháng 10, giá đã hồi phục trở lại, chốt ở 31.600 – 32.000 đồng/kg. Tính chung cả tháng, giá mất tới 1.100 – 1.600 đồng/kg.
Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Bình, tính đến thời điểm này, năm kinh doanh cà phê 2019/20 đã qua được một tháng nhưng thị trường cà phê trong nước yên ắng lạ thường, nhiều nhà vườn vẫn chưa thu hái vụ mới. Tại một số khu vực cà phê trọng điểm ở Tây Nguyên, trái cà phê trên vườn vẫn còn xanh, ước chừng từ 30-40% trái chín đỏ nhưng rất rải rác.
Trong khi đó, nhiều nhà xuất khẩu cho biết họ chưa ký được hợp đồng lớn. Thông thường thời điểm này các năm trước, hợp đồng xuất khẩu đã có thể ký bán trước đến 1/3 sản lượng. Rất có thể các nhà xuất khẩu ngại rủi ro vì một khi giá cà phê chạm giá thành, thường dễ giật lên bất ngờ. Nếu ký bán giá thấp, họ sẽ mua hàng không đủ và không kịp để thực hiện hợp đồng. Vả lại, vụ mùa đang còn nằm trên cây, chưa biết sản lượng sẽ như thế nào.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã dẫn từng đoàn lên Tây Nguyên khảo sát vụ mùa. Cái lo của họ không phải là sản lượng mà chính là giá thành sản xuất.
Nói về sản lượng, hiện nay nhiều người đánh giá vẫn bằng niên vụ cũ, chừng 1,7-1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, qua ba bốn năm liền giá thấp, rất nhiều nhà vườn cà phê đã thu hẹp lại diện tích, sản xuất theo lối bền vững, hay chăm sóc cà phê chỉ đủ để cây cầm cự qua thời khó khăn.
Chỉ cần chuyển chế độ bón phân từ phân bón vô cơ (tổng hợp) sang hữu cơ, đã thấy cây cà phê mất đi chừng từ 10% đến 20% rồi, dù thời tiết có thuận lợi đến đâu, một nhà nông học cà phê nói vậy. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều nhà vườn tìm cách giảm diện tích, trồng các loại cây ăn trái, rau củ khác để bảo đảm sinh kế gia đình, dẫn nguồn thitruongcaphe.net.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10/2019 đạt 39,7 nghìn tấn, trị giá 71,88 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với nửa cuối tháng 9/2019, so với nửa đầu tháng 10/2018 giảm 37,6% về lượng và giảm 37% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10/2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,304 triệu tấn, trị giá 2,245 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong nửa đầu tháng 10/2019 đạt mức 1.809 USD/tấn, giảm 3,4% so với nửa cuối tháng 9/2019, nhưng tăng 1,0% so với nửa đầu tháng 10/2018. Lũy kế từ đầu năm nay đến giữa tháng 10/2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.721 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê toàn cầu giảm do nguồn cung dư thừa, căng thẳng địa chính trị và tồn kho ở mức cao. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018/19 tăng 3,7%, lên 168,87 triệu bao. Sản lượng tăng ở tất cả khu vực, trừ Mexico và Trung Mỹ. Sản lượng cà phê tại Nam Mỹ ước tăng 4,8% so với niên vụ trước, lên 80,95 triệu bao trong niên vụ 2018/19; sản lượng tại khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 4,6%, lên 48,46 triệu bao; sản lượng tại khu vực Châu Phi tăng 1,9%, lên 17,99 triệu bao.
Dự trữ cà phê ở một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Green Coffee Association, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tồn kho cà phê trên khắp Mỹ tăng 127.925 bao (bao 60 kg) so với cuối tháng 8/2019, lên 7,4 triệu bao.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam (nguyên liệu chính trong sản xuất cà phê hòa tan) được dự đoán có mức tăng trưởng 0,3% lên 29,1 triệu bao( loại 60 kg) trong niên vụ 2019/20, tăng 10% so với 5 năm trước. Sản lượng cà phê tại Ấn Độ cũng được dự đoán tăng 8,1% so với niên vụ 2018/19 lên 4 triệu bao trong niên vụ 2019/20, tăng gần 5% so với 5 năm trước; sản lượng cà phê của Brazil cũng được dự báo tăng khoảng 10%, lên 18,3 triệu bao. Việt Nam và Brazil chiếm 40% và 25% sản lượng cà phê robusta trên toàn thế giới.
Niên vụ 2018/19, sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 170 triệu bao, cao hơn 10 triệu bao so với lượng tiêu thụ. Trong đó, Brazil đã sản xuất hơn 60 triệu bao.
Sự sụt giảm giá cà phê dẫn đến việc giảm nguyên liệu đầu vào, thuốc trừ sâu và các chi phí trang trại liên quan khác, theo trang AllAfrica.
Với 4 triệu bao cà phê được sản xuất mỗi năm, Uganda là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai ở châu Phi sau Ethiopia. Tại đây, cà phê trở thành nguồn thu ngoại tệ thứ hai sau du lịch.
Theo ông Fred Luzinda, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê Uganda, 4,6 triệu bao cà phê (loại 60 kg) đã được xuất khẩu trong năm 2018, tạo ra doanh thu 492 triệu USD.
Giá xuất khẩu trung bình đạt mức 1,84 USD/kg trong năm 2018, thấp hơn mức 1,95 USD/kg trong năm 2017. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu.
Tương tự Ethiopia và Brazil, Uganda là quốc gia mà một nửa số cà phê sản xuất ra được tiêu thụ trong nước. Các nhà sản xuất cà phê nước này đang có kế hoạch tiếp cận đa chiều trong việc thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất nội địa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ