Thị trường cà phê tuần 19 (10/5 – 15/5): Giá nội địa đảo chiều giảm mạnh sau 5 tuần tăng
Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc tuần 19 (10/5 – 15/5) ở mức 31.600 – 32.500 đồng/kg, giảm mạnh tới 1.600 so với mức giá của tuần 18. Đây là tuần giảm mạnh đột ngột sau 5 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Trong tuần 19, hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam trầm lắng, do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu yếu, trong khi thị trường Indonesia không có giao dịch do nghỉ lễ.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, với 5% hạt đen & vỡ) được chào giá cộng 55 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Phiên đầu tuần, giá chốt tại 31.500 – 32.400 đồng/kg, giảm nhẹ 100 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 4/2021 giảm 22,1% so với tháng 3/2021 xuống 132.111 tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 584.981 tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 1,1 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu có xu hướng tăng lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Việc xuất khẩu cà phê sang thị trường EU và Mỹ đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và giá cước cao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể khả quan hơn trong thời gian tới khi Mỹ và EU bắt đầu cho phép hàng quán và ngành du lịch hoạt động trở lại.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 200,4 nghìn tấn), Mỹ giảm 27,4% (đạt 40,9 nghìn tấn). Tổng cộng xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm đã hơn 75 nghìn tấn sau 4 tháng đầu năm nay.
Do đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... tuy có tăng nhưng không thể bù đắp sự sụt giảm lớn từ thị trường Mỹ và EU.
Tại thị trường thế giới, giá cà phê trên hai sàn giao dịch giảm trở lại khi đồng real Brazil mạnh lên so với đồng USD, do báo cáo dữ liệu của nền kinh tế hàng đầu có dấu hiệu chững lại và lạm phát tăng nhanh.
Kết thúc phiên cuối tuần, arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 5,17% xuống 145 US cent/lb. Giá robusta cũng giảm 5,13% xuống 1.460 USD/tấn.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại châu Á, căng thẳng chính trị tại Colombia khiến việc xuất khẩu cà phê bị chậm lại.
Colombia - nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ 2 thế giới – đã ngừng xuât khẩu hơn 500.000 bao (loại 60kg) cà phê. Còn thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất Trung Mỹ - Honduras – đã cắt giảm dự báo xuất khẩu cà phê thêm 8,3%.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) đã điều chỉnh sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/22 giảm 1,32% so với niên vụ 2020/21, xuống 169,6 triệu bao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ