Thống kê nông sản Thị trường nông sản ngày 14/5: Nhiều mặt hàng xuống giá

Thị trường nông sản ngày 14/5: Nhiều mặt hàng xuống giá

Tác giả Phạm Hoà - VITIC/Reuters, ngày đăng 15/05/2020

Thị trường nông sản ngày 14/5: Nhiều mặt hàng xuống giá

Hôm nay (14/5), nhiều mặt hàng trong nước và thế giới ở mức giá thấp do nguồn cung cao.

Tại VinMart, sầu riêng hạt lép còn 90.000 đồng/kg; dưa hấu rằn có giá 14.500 đồng/kg; chuối dole giảm còn 30.000 đồng/kg; bơ sáp giá 33.500 đồng/kg…

Ở AEON Mall, cam Ai Cập có giá 50.000 đồng/kg; táo đỏ Mỹ cũng có giá 50.000 đồng/kg; ổi lê còn 16.000 đồng/kg; bưởi năm roi Meko giảm còn 60.000 đồng/trái…

Tại Co.op Mart, nho đen không hạt Úc giảm 15%; dưa hấu giảm 15%; bắp cải trắng giảm tới 20%; cà tím cũng giảm 20%…

Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 của ngành nông nghiệp đạt hơn 12 tỉ USD, giảm 4% so với cùng kì năm 2019.

Riêng trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản nói chung giảm 4,3% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Dẫn nguồn Kinh tế và Tiêu dùng, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu thô các loại nông sản, chưa chú trọng thị trường nội địa và những sản phẩm chế biến nên giá trị gia tăng không cao. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng về chất lượng sản phẩm, không đầu tư cho hệ thống máy móc chế biến, những tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Global GAP.

Vải Trung Quốc thu hoạch sớm

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc), năm 2020 ước tính diện tích trồng quả vải của Trung Quốc khoảng 533 nghìn ha.

Dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn).

Do thời tiết, vụ quả vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm và dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7.

Trung Quốc thường sử dụng vải tươi làm thức ăn tráng miệng và một phần được sấy khô làm mứt, bánh kẹo, vị thuốc, nước ép giải khát và lên men ủ rượu. Hàng năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam và Thái Lan.

Lúa mì xuống mức thấp do nguồn cung tăng

Giá lúa mì trên sàn Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng trong phiên giao dịch vừa qua do dự báo nguồn cung gia tăng trên toàn cầu và thị trường xuất khẩu sẽ trong tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ.

Bộ Nông nghiệp vừa đưa ra dự báo rằng tồn trữ lúa mì toàn cầu cuối niên vụ 2020/21 sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 310,12 triệu tấn, từ mức 295,12 triệu vào cuối năm 2019/20, đồng thời dự báo xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong năm 2020/21 sẽ giảm, trong khi xuất khẩu của Nga, Argentina, Australia và Canada sẽ tăng.

Ngô và đậu tương sụt giảm

Giá ngô và đậu tương cũng có chung xu hướng đi xuống do tiến độ trồng trọt của Mỹ hứa hẹn sản lượng sẽ bội thu.

Về nhu cầu, Trung Quốc đang cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu ngô trong năm nay với mức thuế quan thấp, và có thể mở rộng hạn ngạch nhập khẩu lúa mì, trong bối cảnh đang nỗ lực đẩy mạnh việc mua nông sản từ Mỹ để thực hiện các cam kết thương mại toàn cầu.

Gừng Châu Âu đang ở mức cao

Nhu cầu gừng trên thị trường Châu Âu đang ở mức cao, nhất là từ các thị trường như Đức, Hà Lan…, nơi nhu cầu tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân muốn tăng sức đề kháng bằng các sản phẩm thiên nhiên. Giá gừng hữu cơ của Trung Quốc bán ở Đức hiện là 2,5 – 2,8 EUR/kg, trong khi gừng bình thường giá 1,7 – 1,9 EUR/kg.

Trong khi đó, dự trữ gừng của Trung Quốc bắt đầu giảm vì sản lượng vụ 2019 (thu hoạch vào mùa Xuân năm 2020) thấp hơn mọi năm. Mặt khác, xuất khẩu gừng từ Peru bị gián đoạn do lệnh giới nghiêm ảnh hưởng tới việc thu hoạch và chế biến.


Xuất khẩu điều đón những tín hiệu tích cực Xuất khẩu điều đón những tín hiệu tích… Giá gạo ngày 13/5/2020 ổn định, chất lượng gạo hè thu xấu Giá gạo ngày 13/5/2020 ổn định, chất lượng…