Thị trường rau quả tuần qua giá hành tây trên thế giới tăng mạnh
Thị trường rau quả trên thế giới tuần qua chứng kiến giá hành tây trên thế tăng mạnh vì Ấn Độ, nước xuất khẩu hành lớn nhất thế giới đã cấm xuất khẩu mặt hàng này. Cùng với hành tây, giá tỏi và cà chua ở Ấn Độ cũng tăng mạnh. Trong nước giá thảo quả ở Lào Cai giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá tỏi Trung Quốc sẽ tăng vào cuối năm nay. Hiện giá bán lẻ tỏi khoảng 5 - 6 CNY(0,70-0,84 USD)/0,5 kg, nhưng giá mua tỏi đã vượt qua 4 CNY(0,56 USD)/0,5 kg.
Do vậy, nếu bán ra ngay thì lợi nhuận rất thấp. Các thương gia Trung Quốc hiện đang mua tỏi để tích trữ và bán với giá cao trong lễ hội mùa xuân. Chi phí lưu giữ tỏi rẻ hơn chi phí lưu giữ các sản phẩm nông sản khác. Tỏi có thể lưu trữ dễ dàng trong một thời gian dài. Giá tỏi thường chịu sự biến động xuất phát từ cung và cầu không đều. Các nhà phân tích dự đoán rằng năm tới giá bán lẻ tỏi sẽ vượt quá 8 CNY(1,12 USD)/0,5 kg. Tổng diện tích đất trồng tỏi năm ngoái không lớn trong khi tỏi mới trồng gần đây chỉ có thể được thu hoạch vào năm tới. Do đó, nguồn cung thị trường thấp và giá có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Giá hành tây, cà chua tăng mạnh, đặc biệt tỏi tăng 40% tại Ấn Độ. Tờ Millennium Post đưa tin giá tỏi đã tăng vọt 40% trong tháng vừa qua, ngay cả sau khi sản lượng tỏi tăng 76% so với năm trước. Giá tỏi ở Delhi hiện là 200 Rupi/kg. Trong khi đó ở Rajasthan, giá bán buôn tỏi chất lượng tốt nhất là 17.000 Rupi/100 kg, tương đương 170 Rupi/kg. Tại Neemuch, tỏi đã được bán với giá 8.000 - 16.000 Rupi/100 kg, tỏi chất lượng đặc biệt đã chạm mức hơn 20.000 Rupi/100 kg. Hiện tại, 15.000 bao (50 kg mỗi loại) tỏi đang vào thị trường Neemuch mỗi ngày và nhu cầu tăng mạnh từ miền Nam Ấn Độ. Trong một tháng qua, giá tỏi đã tăng vọt 5.000 rupee/100 kg do mưa lớn, các cánh đồng bị ngập nước, gây trì hoãn hoạt động gieo hạt. Độ ẩm cao khiến tỏi bị thối trong các kho lưu trữ. Thời tiết xấu cũng đẩy giá hành tây và cà chua tăng cao.
Giá hành tây ở thị trường bán lẻ Delhi chạm mức 50 Rupi/kg trong khi cà chua là 40 Rupi/kg.
Theo nguồn tin Reuter, việc Ấn Độ ban bố lệnh cấm xuất khẩu hành tây trong bối cảnh tình trạng mưa lớn kéo dài đã khiến cho vụ thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung trở nên khan hiếm.
New Delhi vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành tây từ Ấn Độ, sau khi giá hành tây trong nước tăng lên đến 4.500 rupee (63,3 USD) mỗi 100 kg, mức giá cao nhất trong gần sáu năm qua.
Điều này khiến cho giá hành tây trên thế giới tăng mạnh. Kể từ khi lệnh cấm trên được ban hành, các nước như Bangladesh đã chuyển hướng sang các nước cung cấp khác như Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để gia tăng nguồn cung nhằm kéo giá hành tây đi xuống.
Tuy nhiên, rất khó để thay thế sản lượng thiếu hụt khổng lồ. Theo Cơ quan xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản Ấn Độ, nước này xuất khẩu 2,2 triệu tấn hành tươi trong tài khóa 2018/19 kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua. Khối lượng này lớn hơn 50% tổng lượng hành tây nhập khẩu của các nước châu Á.
Mohammad Idris, một nhà giao dịch ở Dhaka (Bangladesh) cho biết, giá hành tây đang tăng lên ở châu Á và châu Âu. Ông cũng cho biết, các nước xuất khẩu khác đang tận dụng lệnh cấm này của Ấn Độ để nâng giá chào bán.
Tuy nhiên, việc vận chuyển từ các nơi khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều khá lâu. Theo ông Idris, việc vận chuyển từ Ai Cập phải mất một tháng, còn từ Trung Quốc mất khoảng 25 ngày, trong khi vận chuyển từ Ấn Độ chỉ mất vài ngày.
Nhu cầu đối với nguồn cung thay thế đang cực lớn, khiến nhiều nước như Sri Lanka đã đặt hàng với Ai Cập và Trung Quốc.
Giá hành tây ở Sri Lanka đã tăng 50% chỉ trong một tuần. Trong khi đó, nhiều nước hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi.
Malaysia, nước đứng thứ hai về nhập khẩu hành tây từ Ấn Độ, hy vọng lệnh cấm trên chỉ là tạm thời và cho rằng không cần phải quan ngại quá mức về tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, kể cả Ấn Độ cũng đang phải nhập khẩu hành tây từ Ai Cập nhằm bình ổn giá. Ông Ajit Shah, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hành tây ở Mumbai cho rằng giá sẽ không giảm đáng kể trước khi hành tây vụ mùa này bắt đầu được tung ra thị trường.
Thời điểm này được dự đoán sẽ vào khoảng giữa tháng 11/2019, đồng nghĩa rằng lệnh cấm xuất khẩu hành tây nói trên của Ấn Độ sẽ không sớm được dỡ bỏ.
Theo nguồn tin Dân Việt, cà tím biến đổi gen giúp nông dân Bangladesh nâng cao thu nhập.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế tại Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh đã cho thấy những lợi ích vượt trội của giống cà tím biến đổi gen mang lại cho nông dân Bangladesh.
Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế tại Hoa Kỳ (IFPRI - International Food Policy Research Institute) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh (Bangladesh Agricultural Research Institute) đã tiến hành nghiên cứu với tên gọi "Đánh giá tác động của công nghệ cà tím biến đổi gen".
Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất của giống mới này cao hơn so với cà tím thông thường 42%; đồng thời các giống BĐG giúp làm giảm 39% lượng thuốc bảo vệ thực vật nông dân phải sử dụng; do đó giúp nông dân tại Bangladesh tiết kiệm chi phí lên đến 47%, tương đương với 85,53USD/ha canh tác cà tím.
Cà tím là loại cây trồng rất dễ bị sâu bệnh, chúng thường xuyên bị tấn công bởi sâu đục quả và sâu đục thân (FSB) nên cần được xử lý mạnh bởi thuốc trừ sâu. Do đó để giảm tổn thất năng suất do sâu bệnh, nông dân tại Bangladesh thường phải phun thuốc nhiều lần trong suốt một vụ mùa. FSB cũng là một trong các dịch hại phổ biến nhất tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Giống cà tím biến đổi gen là một giống có chứa gen từ vi khuẩn đất Bacillus thuringiensis (BT) có khả năng kháng lại sự tấn công của dịch sâu FSB. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng protein trong cà tím Bt giúp phá vỡ hệ thống tiêu hoá của một số loài gây hại nhất định, khiến chúng chết trong vòng ba ngày sau khi ăn.
Năm 2013, Bangladesh đã trở thành quốc gia Nam Á đầu tiên phê duyệt canh tác thương mại cây trồng (thực phẩm) biến đổi gen. Cho tới nay, nông dân tại quốc gia này đang canh tác ngày một phổ biến hơn bốn giống cà tím BĐG Bt, có khả năng kháng các loại sâu đục thân, đục quả.
Để thực hiện nghiên cứu này, 1.200 nông dân sống tại 200 khu làng khác nhau đã được chọn ngẫu nhiên để nhận trồng giống cà tím biến đổi gen (BT-4) hoặc giống cà tím thông thường (không biến đổi gen) . Kết quả cho thấy chỉ có 1,8% số cây cà tím biến đổi gen bị nhiễm sâu bệnh trong khi đó số cây cà tím thông thường bị sâu bệnh tấn công lên đến 33,9%.
Nghiên cứu cũng cho thấy nhờ vào việc giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng đối với cà tím BT mà lượng độc tính môi trường cũng giảm đáng kể tới 56%. Các cá nhân trong các hộ gia đình trồng cà tím BT cũng ít có những triệu chứng do phơi nhiễm với thuốc trừ sâu như các bệnh hô hấp mãn tính hay bệnh ngoài da.
Tại thị trường trong nước, theo báo Lào Cai, hiện giá thảo quả nơi đây giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Trung Lèng Hồ (Bát Xát) là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh (hơn 850 ha). Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc xã này hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Một gia đình ở thôn Trung Hồ trồng gần 10 ha thảo quả, trong đó có gần 8 ha đến thời kỳ thu hoạch. Những năm mất mùa, gia đình ông thu được 50 - 70 triệu đồng từ bán thảo quả khô, còn nếu được mùa, được giá thì con số này lên tới hàng trăm triệu đồng.
Năm nay, mặc dù cây thảo quả chưa khôi phục hoàn toàn sau khi chịu ảnh hưởng bởi thời tiết những năm trước nhưng dự kiến gia đình cũng thu hàng tấn thảo quả khô. Tuy nhiên, giá thảo quả đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg.
Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch (thường là từ tháng 10 âm lịch) nhưng đến nay, hơn 300 ha thảo quả đã được người dân xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) thu hoạch xong. Với giá bán như hiện nay, gia đình thu về chưa đến 100 triệu đồng. Những năm trước, giá bán thảo quả khô dao động ở mức 200 - 300 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 450 nghìn đồng/kg. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà giá thảo quả khô năm nay xuống thấp đến thế, khiến gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Những năm qua, cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng cao. Tuy nhiên, một thực tế là đầu ra của cây thảo quả luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cho biết, xã có khoảng 850 ha thảo quả. Có những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân. Thế nhưng vài năm gần đây, cây thảo quả không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến người trồng thảo quả ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn quả thảo quả khô được thương lái mua của người dân, rồi xuất bán sang Trung Quốc. Khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chắc chắn giá thảo quả sẽ giảm theo. Hiện giá thảo quả chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Một nguyên nhân nữa khiến thảo quả khô giảm là do chất lượng. Theo đúng thời vụ thì khoảng tháng 11 - 12 mới vào mùa thu hoạch thảo quả, nhưng một số xã đã thu hoạch gần xong. Như vậy, người dân đã thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, chất lượng thảo quả giảm, thương lái ép giá cũng là điều dễ hiểu.
Chủ tịch UBND xã Tả Giàng Phình cho biết: Thời điểm này, cơ bản diện tích thảo quả trên địa bàn xã đã được thu hoạch, tức là người dân đã thu hoạch thảo quả non với diện tích rất lớn. Khi chất lượng thảo quả thấp thì giá bán chắc chắn bị thương lái ép xuống. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân nên thu hoạch thảo quả đúng thời vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng người dân sợ mất trộm nên thu hoạch non.
Toàn tỉnh hiện có gần 20 nghìn ha thảo quả, trong đó 80% diện tích đã cho thu hoạch. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động người dân không thu hoạch thảo quả non và có giải pháp chế biến sâu, không để cây thảo quả quá phụ thuộc vào một thị trường. Có như vậy, cây thảo quả mới là nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ