Thống kê nông sản Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều sớm Lục Ngạn giá tăng cao gấp đôi

Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều sớm Lục Ngạn giá tăng cao gấp đôi

Tác giả Hương Nguyễn, ngày đăng 25/05/2019

Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều sớm Lục Ngạn giá tăng cao gấp đôi

Thị trường trái cây tuần qua (đến ngày 24/5) chứng kiến vải thiều sớm tại Lục ngạn năm nay sản lượng giảm, giá tăng cao gấp đôi so với năm ngoái. Lần đầu tiên mận hậu Sơn La xuất khẩu chính ngạch sang Campuchia. Không chỉ trái xoài xuất khẩu sang Mỹ mà quả bơ của Việt Nam cũng đang được xúc tiến xuất khẩu sang thị trường khó tính này.

Tại Kiên Giang, giá dưa lê được giá, hiện đứng ở mức cao. Dẫn nguồn tin baotintuc.vn, giá dưa lê đang được các thương lái thu mua tận ruộng ở mức cao từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, khiến nông dân tại Huyện Vĩnh Thuận rất phấn khởi. Hiện Huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã xuống giống hơn 512 ha hoa màu, vượt 2,5% kế hoạch với các loại chủ yếu như: dưa gang, dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa lê. Diện tích này tập trung chủ yếu ở 2 xã Bình Minh và Vĩnh Bình Bắc; trong đó, gần 400 ha đã được thu hoạch với năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha. Địa phương thực hiện trồng dưa theo mô hình sản xuất vụ lúa - vụ màu, lợi nhuận đạt từ 200 triệu đồng/ha trở lên.

Theo nông dân nơi đây, năm nay, vụ dưa lê trúng mùa nhờ mùa khô kéo dài, không có mưa trái mùa nên dưa phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại, năng suất 35 - 40 tấn/ha.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, huyện đang quy hoạch, hỗ trợ nông dân trồng dưa lê theo hướng VietGAP để tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm nông sản sạch giá trị kinh tế cao. Cụ thể, vùng trồng dưa lê được thiết kế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác; hỗ trợ vốn giúp nông dân, tạo điều kiện để nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng dưa theo hướng công nghệ cao, hiệu quả kết hợp với kinh nghiệm sản xuất thực tế trên đồng ruộng; thương hiệu, nhãn hiệu tập thể được xây dựng; từng bước đưa sản phẩm dưa lê vào siêu thị và hướng tới xuất khẩu…

Bên cạnh đó, vải thiều sớm Lục Ngạn năm nay mặc dù sản lượng có giảm nhưng được giá.

Dẫn nguồn tin từ Báo công thương, nếu như năm 2018 giá vải thiều đầu mùa chỉ từ 18- 25 nghìn đồng/kg, thì năm nay giá vải sớm bán tại vườn từ 35 – 55 nghìn đồng/kg.

Dù đang vào thời điểm thu mua vải thiều chín sớm, nhưng dọc hai bên đường từ thị trấn Chũ kéo đến ngã tư vào xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) rất thưa quầy bán vải thiều. Theo nhiều người dân vùng vải cho hay, năm nay, giá bán cao gấp đôi so với năm ngoái nhưng quả vải thu mua đến đâu bán hết đến đó. Việc sản lượng giảm khiến giá tăng chỉ là một phần nguyên nhân, điều quan trọng hơn là chất lượng vải đầu mùa năm nay rất ngon nên người tiêu dùng yêu thích.

Do thời tiết thất thường nên năng suất vải thiều của Lục Ngạn năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt, đặc biệt theo quy trình VietGap và GlobalGap nên chất lượng quả vải đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, dự kiến, sản lượng vải thiều Lục Ngạn cả năm 2019 đạt ở mức trung bình, hơn 80 nghìn tấn, song chất lượng quả vải lại cao nhất từ trước đến nay. Điểm mới năm nay là Lục Ngạn đã áp dụng quy trình sản xuất vải hữu cơ, với diện tích 5ha cho 2 hộ gia đình ở Quý Sơn và Giáp Sơn. Toàn bộ quy trình, quá trình sản xuất, chăm bón, thu hoạch diện tích vải này đều có hệ thống camera giám sát. Sau vụ thu hoạch 2019, huyện sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó sẽ tính toán, nhân rộng.

Sau vụ vải sớm, vải thiều chính vụ sẽ diễn ra trong khoảng từ 10/6 - 20/7. Dự kiến, vải thiều giống sớm của huyện Lục Ngạn sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối tháng 5; vụ vải chính sẽ trong khoảng từ 10/6 - 20/7/2019.

Ngoài ra, lần đầu tiên mận hậu Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Campuchia. Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu với tổng giá trị 40 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt hàng nông sản truyền thống như xoài, nhãn… mận hậu từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh Sơn La. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang xây dựng thương hiệu cho quả mận bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, Global GAP, xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Mỹ, Nhật…

Thời gian gần đây, trái cây Việt Nam đã chinh phục được những thị trường khó tính. Ngoài trái xoài được xuất khẩu sang Mỹ thì trái bơ của Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh xúc tiến vào thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay.

Được biết, hàng năm thị trường Mỹ phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu quả bơ. Hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối; các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.

Về quy cách, để vào được thị trường Mỹ, quả bơ phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu các quy định của cơ quan chức năng về độ chín, màu sắc, trọng lượng. Quả bơ phải nguyên vẹn, sạch sẽ, không mang côn trùng, không qua tiếp xúc với các môi trường quá ẩm ướt, ở trong tình trạng có thể vận chuyển, đóng gói được...

Cũng theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm. Tuy nhiên giá trị hàng hóa quả bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Để phát huy tiềm năng của cây bơ cũng như thúc đẩy xuất khẩu quả bơ vào các thị trường mới, trong đó có Mỹ khi được mở cửa thị trường, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả.

Nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ có thể sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018 nước này đã chi 2,4 tỉ USD để nhập hơn một triệu tấn bơ. Quả bơ được 51% các hộ gia đình tại Mỹ tiêu thụ, số tiền trung bình một hộ gia đình tại Mỹ dành để mua quả bơ là 24,5 USD/năm.

Trên thị trường thế giới, giá thanh long Trung Quốc hiện đang trong xu hướng tăng. Giá thanh long đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thấp, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang giảm trong khi nhu cầu mạnh. Các thương gia Trung Quốc mua Thanh long từ Việt Nam, thiết kế bao bì riêng, đóng gói tận nơi sản xuất sau đó nhập khẩu về Trung Quốc. Thanh long được đóng gói nhỏ, vừa và lớn tùy theo từng loại Thanh long khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng.


Giá lúa mì Nga tăng theo xu hướng giá tại thị trường Chicago Giá lúa mì Nga tăng theo xu hướng… Lúa gạo Châu Á: Giá gạo Ấn Độ tăng, gạo Việt Nam giảm, gạo Thái Lan vững Lúa gạo Châu Á: Giá gạo Ấn Độ…