Thống kê nông sản Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều và sầu riêng giá tăng cao, mít Thái giảm mạnh

Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều và sầu riêng giá tăng cao, mít Thái giảm mạnh

Tác giả Hương Nguyễn, ngày đăng 15/06/2019

Thị trường trái cây tuần qua: Vải thiều và sầu riêng giá tăng cao, mít Thái giảm mạnh

Thị trường trái cây tuần qua biến động về giá, theo đó sản lượng vải thiều thấp nhưng giá tăng gần gấp đôi và đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc; giá mít Thái giảm mạnh, nhưng sầu riêng tăng cao kỷ lục 20.000 – 30.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Dù sản lượng vải thiều năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm, nhưng giá tăng cao và đầu ra ổn định. Cụ thể, như vải Thanh Hà từ 48.000 – 50.000 đồng/kg, có thời điểm lên 70.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, cao điểm cũng chỉ được 16.000 đồng/kg, có thời điểm xuống còn 2.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá vải tăng cao, trong đó đầu tiên là nguồn cung thiếu hụt, sản lượng vải năm nay thấp hơn mọi năm, diện tích trồng vải ở Bắc Giang giảm xuống do người dân chuyển sang trồng cam canh. Thứ hai, các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ồ ạt, riêng tại huyện Lục Ngạn hiện nay đang có gần 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.

Theo thống kê, đến chiều 11/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ gần 56.000 tấn vải, trong đó có hơn 19.000 tấn vải chính vụ, số lượng vải sớm cơ bản đã hết.

Đến nay, vải thiều tươi đã được bày bán khắp toàn quốc. Một số địa phương tiêu thụ vải với số lượng lớn là các tỉnh lân cận phía Bắc, những đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Vải thiều Lục Ngạn cũng được thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc tin dùng. Đây là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện này. Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…

Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, thì Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Sau thời gian đạt ở mức cao, giá mít Thái giảm mạnh chỉ còn 12.000 đồng/kg, trong khi giá sầu riêng lại tăng cao kỷ lục 90.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận, trong quý 1 năm nay, giá mít trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng đột biến, đỉnh điểm 70.000-80.000 đồng/kg. Đến đầu quý 2, giá mít lại lao dốc không phanh, giảm 30.000 đồng/kg và ngày 7/6 giá mít Thái mua tại vườn chỉ còn 12.000-15.000 đồng/kg.

Một tiểu thương nhiều năm buôn bán trái cây ở chợ Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho hay, giá mít xuống thấp do thương lai Trung Quốc ngừng mua loại trái cây này.

Trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây trong khu vực đã có kế hoạch sản xuất hoặc có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không "tham gia" mua mít với giá… cao. Điều này đẩy giá mít quay về "vạch xuất phát" - khoảng 15.000 đồng/kg.

Ngược lại với giá mít, giá sầu riêng đang tăng rất cao. Ngày 7/6, giá sầu riêng các giống đang được thị trường ưa chuộng như Thái Lan, Ri6… mua tại vườn có giá 60.000-70.000 đồng/kg, giá bán tại chợ Đồng Xoài và các chợ trong tỉnh Bình Phước lên đến 80.000-90.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Nguyên nhân sầu riêng giá tăng cao kỷ lục, theo các tiểu thương do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và thị trường Trung Quốc cũng tiêu thụ khá mạnh loại trái cây này. Thêm một yếu tố, đây là loại cây trồng khó tính, kén đất, dày công chăm sóc, lâu cho thu hoạch, mất 8-10 năm mới cho thu hoạch nhiều nên nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Bình Phước là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn ở khu vực Đông Nam Bộ với hơn 15.000ha. Các loại trái cây được trồng nhiều gồm: cam, quýt, bưởi, mít, bơ, xoài, sầu riêng…

Hiện nay, giống sầu riêng Musang King xuất xứ từ Malaysia có năng suất, chất lượng cao được thị trường Trung Quốc và Singapore ưa chuộng, giá bán trái từ 600.000 – 1.200.000 đồng/kg. Chính vì thế, một số cơ sở tại Lâm Đồng đã “xách tay” chồi giống này về Việt Nam, song chất lượng chưa được kiểm chứng.

Vài năm qua, sầu riêng đã trở thành cây trồng được nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng quan tâm vì giá liên tục tăng cao. Cũng chính vì thế, không ít người đã tận dụng diện tích trồng xen trong vườn cà phê, điều, thậm chí phá bỏ diện tích cây trồng đang có để theo phong trào trồng sầu riêng.

Bước vào mùa mưa, thời điểm này thị trường cây giống sầu riêng tại Lâm Đồng càng trở nên sôi động, tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Nhiều nông dân đi theo xe tải, sẵn sàng chở hàng trăm cây giống về trồng.

Chủ cơ sở sản xuất cây giống Trung Thành tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho biết, giống Musang King này được ưa chuộng nhất trên thị trường năm nay. Cơ sở đã cố gắng lắm mới nhập được hơn 5.000 chồi giống để về ghép. Khi nói về nguồn gốc cây giống, chủ cở sở này cho hay, nông dân cứ có nhu cầu giống, loại nào, số lượng bao nhiều thì cơ sở săn hàng về cung cấp. Để có được được giống Musang King này, phải nhờ người lặn lội sang tận Malaysia mua chồi mang về để ghép.

Được coi là thủ phủ của cây sầu riêng tỉnh Lâm Đồng, nông dân ở huyện Đạ Huoai cũng đang hồ hởi phát triển mở rộng thêm diện tích với tốc độ rất nhanh, nhu cầu về giống là rất lớn.

Khảo sát nhanh một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn, ngoài “siêu giống” Musang King, các loại giống sầu riêng nội địa như Ri 6, Chuồng Bò, Cái Mơn hay Monthong Thái Lan được bày bán rộng rãi với giá bán dao động từ 60.000 – 150.000 đồng/cây. Riêng giống Musang King có giá hơn 200.000 đồng/cây, chiều cao đạt 50 cm trở lên.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng ông Lại Thế Hưng, hiện nay, chồi giống đang là khâu khó quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh. Bởi hiện nay, Lâm Đồng chỉ mới xây dựng và mới cấp chứng nhận cho 3 vườn sầu riêng được công nhận là cây đầu dòng. Tuy nhiên, diện tích rất nhỏ và sản lượng chồi giống là không đáng kể so với trên thị trường đang được bày bán hiện nay.

Riêng sầu riêng Musang King xuất xứ từ Malaysia là một loại giống có năng suất, chất lượng cao được thị trường Trung Quốc và Singapore ưa chuộng.

Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào trong tỉnh đăng ký nhập khẩu chính thức giống sầu riêng này về làm khảo nghiệm, thử nghiệm tại địa phương, cũng chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển, khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh... Còn Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chưa công bố chính thức về việc nhập giống sầu riêng Musang King về lai ghép và trồng thực nghiệm tại Tây Nguyên để đánh giá về thổ nhưỡng, khí hậu và năng suất…

Trong thời gian tới, Chi cục cùng các ngành chức năng sẽ tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn đúng theo quy định của Luật Trồng trọt, từ đó cung cấp thông tin các địa chỉ uy tín rộng rãi để người nông dân biết.

Tuy nhiên, bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn, chuyển đổi loại cây trồng cho phù hợp. Bởi trồng sầu riêng mất từ 5 - 7 năm mới biết kết quả, không nên quyết định vội vàng.

Trên thế giới, theo nguồn tin Báo nông nghiệp, Philippines bán tháo 2 triệu kg xoài. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines ông Emmanuel Pinol, cứ 3 hay 4 năm ở Philippines lại xảy ra tình trạng ế thừa xoài, đó là hiện tượng thời tiết El Nino.

El Nino gây ra các hiện tượng cực đoan trái ngược nhau, nơi hạn hán, nơi lại lụt lội. Nhưng ở Philippines, El Nino khiến cho đất đai khô cằn thời gian dài rồi bỗng dưng mưa kéo dài, điều kiện thời tiết lý tưởng cho xoài sinh sôi nảy nở.

Chia sẻ trên tờ Manila Times, ông Pinol cho biết, hiện tượng thời tiết đó đem đến nhiều ích lợi. Vấn đề đặt ra là người nông dân không điều chỉnh kịp thời vụ và Bộ Nông nghiệp lại không có hướng dẫn kịp thời để phối hợp với họ.

Riêng tại tỉnh Luzon - nơi được coi là “túi bão” của Philippines, sản lượng đã dư thừa 2 triệu kg. Tình trạng này chỉ xảy ra 2 lần gần đây nhất là năm 2015 - 2016, khi cũng có hiện tượng El Nino, ông Pinol cho biết.

Dư thừa lượng cung khiến cho giá bán tại Philippines đang xuống thấp. Giá mỗi kg xoài chỉ còn 20 peso, tương đương 20 cent Mỹ ở 2 thủ phủ xoài là Luzon và Mindanao.

Tình trạng này khiến Philippines phải triển khai gấp chương trình giải cứu xoài và hy vọng sẽ tiêu thụ được tối thiểu 1 triệu kg ngay trong tháng 6. Bộ trưởng Pinol cho biết, xoài được tiêu thụ qua các kênh chế biến đạt tiêu chuẩn sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ chính quyền.


Giá lúa mì Nga tăng do thời tiết khu vực Biển Đen khô Giá lúa mì Nga tăng do thời tiết… Thị trường lúa gạo Châu Á: Nhu cầu thấp Thị trường lúa gạo Châu Á: Nhu cầu…