Thời tiết ổn định, bệnh trên tôm đã giảm
Hiện nay, qua khảo sát, thời tiết đã ổn định, bệnh trên tôm giảm mạnh. Theo quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, gần đây, tỷ lệ giáp xác trong môi trường tự nhiên nhiễm bệnh đốm trắng giảm đáng kể, chiếm 23% mẫu. Đây là thời điểm thả tôm thuận lợi nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người nuôi tuân thủ các giải pháp cơ bản để vụ nuôi đạt hiệu quả cao.
Đối với các ao chuẩn bị nuôi, cần thực hiện tốt công tác cải tạo kỹ trước khi nuôi như sên vét rửa sạch bùn, bón vôi để diệt tạp 50kh/1.000m2. Phơi ao từ 5 - 7 ngày sau đó lấy nước qua túi lọc rửa vài lần trước khi giữ nước lại ao nuôi. Đối với các ao vụ trước đã nhiễm bệnh chết thì lượng vôi và thời gian phơi ao phải tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, cần dùng formol tạt đều khắp ao nuôi lúc chiều tối bỏ qua đêm trước khi lấy nước vào ao.
Nước nuôi cần phải xử lý đúng quy trình kỹ thuật, gây màu và kiểm tra các yếu tố môi trường đạt yêu cầu trước khi thả giống. Nếu có điều kiện, chủ cơ sở thu mẫu nước hoặc giáp xác còn sót lại trong ao, xét nghiệm kiểm tra bệnh trước khi thả giống nhằm phát hiện sớm mối nguy hiểm.
Chọn mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôm phải có giấy kiểm dịch của Chi cục Thú y và được xét nghiệm sạch bệnh các bệnh nguy hiểm khác. Thực tế thời gian qua, người nuôi bắt giống qua các cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, gây khó khăn trong quản lý chất lượng con giống và phòng dịch. Mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp với quy định của ngành như tôm chân trắng phải từ 60 - 80 con/m2; tôm sú phải từ 20 - 25 con/m2.
Nên duy trì mực nước ao nuôi lớn hơn 1,2m; pH duy trì 7,5 - 8,2; độ kiềm ổn định 120 - 160mg/lít, định kỳ 7 - 10 ngày kiểm tra/lần. Tăng cường thời gian chạy quạt nước để bảo đảm ô-xy hòa tan lớn hơn 5mg/lít và tránh sự chênh lệch nhiệt độ nước giữa tầng mặt và tầng đáy, nhất là trong thời gian trời đang mưa. Bón vôi CaCO3 quanh bờ ao trước khi trời mưa. Sau khi mưa nhiều, có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt hoặc bón vôi để tránh sự biến động độ mặn và các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi.
Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới, đuổi chim, cò, hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi. Quản lý chặt chẽ thức ăn trong quá trình nuôi, tránh dư thừa thức ăn, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để giảm ô nhiễm môi trường trong ao nuôi và hạn chế phát sinh mầm bệnh. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như màu sắc tôm, khả năng hoạt động, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ, lượng thức ăn.
Định kỳ kiểm tra mật độ vi khuẩn nếu vượt ngưỡng cho phép thì diệt khuẩn, sau đó cấy vi sinh lại. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cấm để phòng và trị bệnh tôm nuôi. Khi tôm có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm bệnh chết bất thường, phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly, tuyệt đối không xả thải ra kênh, rạch và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, UBND xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện để được hướng dẫn cách ly, xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ