Thu 2 tỷ đồng/năm từ trang trại chủ yếu trồng dưa lưới và dưa chuột
Để có nhanh nguồn thu cho tái đầu tư mở rộng sản xuất, Hùng triển khai xây dựng gần 5.000m2 nhà lưới trồng rau VietGAP, chủ yếu là trồng dưa lưới và dưa chuột. Chia sẻ với chúng tôi, Hùng cho biết: “Trang trại của em chỉ thu vội cũng được 2 tỷ đồng mỗi năm!”.
Dưa lưới VietGAP trong nhà kính
Anh Đỗ Văn Hùng ở thôn Cao Quán, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên là Bí thư đoàn xã luôn đi đầu trong phong trào thanh niên lập nghiệp làm giàu. Thôn Cao Quán có rất nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển. Hiện tại vợ chồng Hùng cũng đang sống trong căn nhà mặt phố của thị tứ Bô Thời (Khoái Châu) sầm uất. Nhưng anh vẫn quyết định lựa chọn cách làm giàu bằng nghề nông.
Năm 2013 mới ở tuổi 27, thấy nhiều người dân quê mình không còn thiết tha với đồng ruộng, Hùng đã mạnh dạn vay mượn vốn của ngân hàng và người thân, rồi thuê nhượng lại đất canh tác của người dân để chuyển đổi thành trang trại trồng cây ăn quả.
Sau khi tích tụ được gần 6ha ruộng, Hùng đã thuê máy ủi san lấp tạo lại mặt bằng đất canh tác, rồi dùng máy xúc đào rãnh tưới tiêu và lên liếp trồng cây ăn quả.
Các giống cây đưa vào trồng trong trang trại đều được Hùng tuyển lựa kỹ càng, có nguồn gốc xuất xứ từ những cây mẹ đặc sản đã qua bình tuyển, được cơ quan chuyên môn địa phương cấp phép nhân giống.
Cách bố trí cây trồng trong trang trại cũng được Hùng tính toán rất khoa học. Cây cam, bưởi kém chịu gió bão và nắng nóng gay gắt, được ưu tiên trồng giữa trang trại, tiếp đó là các luống cây ổi, ngoài cùng quanh trang trại trồng hồng xiêm và mít để chắn gió, tiết giảm nắng nóng cho nhóm cây trồng bên trong.
Ổi lê trong trang trại
Để có nhanh nguồn thu cho tái đầu tư mở rộng sản xuất, Hùng triển khai xây dựng gần 5.000m2 nhà lưới trồng rau VietGAP, chủ yếu là trồng dưa lưới và dưa chuột.
Để các loại rau quả trồng đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Hùng đã thuê riêng một kỹ sư Nông học, chuyên trách khâu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các cây trồng.
Theo đó, riêng các loại rau quả trồng trong nhà lưới được tưới nước tự động thông qua hệ thống ống dẫn nhỏ giọt tới từng gốc cây và chỉ bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh. Cẩn thận hơn, Hùng còn mua gom hạt đậu tương, nghiền ủ với supe lân dùng bón thúc các cây dưa thay cho phân đạm urê.
Kết quả sau gần 4 năm sản xuất lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng Hùng đã có được trang trại cây ăn quả đặc sản, với gần 3.000 gốc bưởi Diễn và cam Vinh lòng vàng, 700 gốc ổi Đài Loan, 150 gốc mít Thái siêu sớm và 200 gốc hồng xiêm xoài.
Chia sẻ với chúng tôi, Hùng cho biết: “Trang trại của em chỉ thu vội cũng được 2 tỷ đồng mỗi năm!”.
Biết chúng tôi còn ngỡ ngàng, Hùng đã đọc ngay từng khoản thu chi tỉ mỉ từ cuốn số nhật ký luôn mang theo bên mình:
+ Khoản thu: Dưa lưới trồng 2 vụ/năm (mỗi vụ trồng 14.500 cây). Sản lượng 58 tấn. Giá bán 33.000 đồng/kg. Thành tiền 1. 914.000.000 đồng. Dưa chuột trồng 1 vụ/năm. Sản lượng 20.000kg. Giá bán trung bình 15.000 đồng/kg. Thành tiền 300.000.000 đồng. Thu hoạch ổi 23.500kg. Giá bán 12.000 đồng/kg. Thành tiền 282.000.000 đồng.
Dưa chuột VietGAP trong nhà lưới
+ Khoản chi cho cây dưa lưới, dưa chuột theo % doanh thu là: Giống, phân bón 30%. Khấu hao nhà lưới 15%. Công lao động 10%.
+ Ước lãi thuần trên 1.500.000.000 đồng.
Theo Hùng, trồng dưa chuột ngoài tự nhiên trong vụ đông chỉ được 5 - 6 tạ/sào, nhưng trồng trong nhà lưới có thể đạt tới 2 tấn/sào. Những ngày giá rét dưa chuột có thể bán được 15.000 - 18.000 đồng/kg. Các ngày Tết Nguyên đán giá dưa chuột có thể lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg. Và chỉ trồng dưa chuột trong nhà lưới mới có sản phẩm thu hoạch bán trong các ngày đó.
Đi thăm khắp trang trại cây ăn quả đặc sản của vợ chồng anh Đỗ Văn Hùng, chúng tôi dự tính, khi các cây ăn quả ở đây cho sản lượng khai thác ổn định doanh thu mỗi năm sẽ đạt tới chục tỷ đồng. Hiện trang trại này đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động nông nhàn ở các địa phương lân cận, với thù lao 4,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể bao ăn bữa trưa.
Qua đó, có thể khẳng định kinh tế trang trại là sức sống của nền nông nghiệp hàng hóa giá trị gia tăng.
"Anh Đỗ Văn Hùng là một thanh niên năng động và quyết đoán, cách làm kinh tế trang trại của anh không chỉ thu hút được sự quan tâm học hỏi của các thanh niên sống trên địa bàn, mà còn tạo được ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng dân cư sở tại về một đảng viên, cán bộ đoàn gương mẫu miệng nói tay làm", ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ