Thu gần nửa tỷ đồng/năm từ đa canh mía, bưởi, dừa và nuôi ong
Sau nhiều năm độc canh cây mía, ông Phương đã thay đổi tư duy, chuyển sang mô hình đa canh gồm mía, bưởi, dừa, kết hợp với nuôi ong.
Trong ảnh: Mía Cù Lao Dung vào mùa thu hoạch
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là huyện có thế mạnh về cây mía, kế đến là cây màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2016 sản lượng mía bị giảm sút do tác động của biến đổi khí hậu, ruộng mía bị xâm nhập mặn gây tổn thất nặng nề cho người trồng.
Ông Lê Thành Phương, ngụ tại ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung là một trong những nông dân trồng mía lâu năm và đạt năng suất cao trong nhiều năm liền. Nhưng đứng trước những khó khăn bất trắc không lường trước, do nắng nóng, thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, khiến ông ngày đêm trăn trở, luôn tìm một giải pháp nào đó để khắc phục, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng.
Sau nhiều năm gắn bó với cây mía và bám sát thị trường ông đã thay đổi tư duy canh tác, thay vì độc canh cây mía, ông chuyển sang mô hình đa canh gồm mía, bưởi, dừa, kết hợp với nuôi ong.
Ông Lê Thành Phương và cây bưởi đang cho trái
Theo ông, mía thương phẩm hiện nay có giá dao động từ 800 - 1.200đ/kg. Với giá này người trồng không có ăn vì giá nhân công ngày càng tăng, giá vật tư nông nghiệp cũng tăng. Để đạt hiệu quả kinh tế, ông đã mạnh dạn sử dụng 1ha đất mía nguyên liệu chuyển sang trồng mía giống. Theo ông, giá mía giống bao giờ cũng ổn định, không sợ đầu ra. Năm 2016 ông thu hoạch được 100 tấn mía giống (gồm hom và thân), bán ra với giá từ 1.800 - 2.000đ/kg. Trừ hết các chi phí còn lời 80 triệu đồng/ha.
Diện tích còn lại trên 2ha, ông lên liếp trồng bưởi và dừa. Năm 2016 thu hoạch được 4,5 tấn bưởi da xanh bán với giá dao động từ 30.000 - 60.000đ/kg. Cũng theo ông, dừa là cây dễ trồng, đầu tư ít vốn lại nhẹ công chăm sóc. Đặc biệt là trái thu hoạch quanh năm và dễ tiêu thụ.
Ông nghĩ rằng giá cả là do thị trường quyết định còn năng suất, chất lượng cao hay thấp là do con người làm nên. Do vậy mà nhiều năm qua ông đã thành công với mô hình đa canh này. Ông nói nếu giá mía xuống thấp thì lấy bưởi và dừa bù qua. Nhờ vậy mà thu nhập năm nào cũng ở mức trung bình trở lên, không như độc canh cây mía, năm nào sản lượng thấp, giá rẻ coi như phá huề hoặc lỗ vốn. Nhờ vậy mà bình quân mỗi năm ông thu lời trên 250 triệu đồng từ cây mía và cây ăn trái.
Ông không những có kinh nghiệm làm vườn mà còn say mê nghề nuôi ong lấy mật. Ông may mắn được tham gia chương trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nuôi ong thử nghiệm do Chi cục Thú y tỉnh tổ chức.
Ông Lê Thành Phương đang theo dõi đàn ong mật nuôi trong vườn nhà
Từ đó đến nay ông đã vừa làm vừa học, nay đã trở thành một người nuôi ong chuyên nghiệp. Thoạt đầu ông chỉ nuôi có 15 thùng ong nội địa, dần dần lên 50. Hiện nay, ngoài ông nội địa ông còn phát triển thêm đàn ong Ý 100 thùng giao cho người con trai là Lê Anh Khoa quản lý, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Bằng khát vọng vươn lên không ngừng, ông Lê Thành Phương không những là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, từng được bình chọn đi dự hội nghị nông dân điển hình ở Hà Nội mà còn là người năng động, sáng tạo luôn đổi mới trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông xứng đáng là một nông dân tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ