Thừa Thiên Huế Giúp Dân Vào Vụ Nuôi Mới
Năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên Huế 6.426 ha; trong đó, nuôi nước lợ 4.436 ha và nước lợ gần 2.000 ha. Những ngày đầu tháng 2, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cử cán bộ đến tận hồ nuôi hướng dẫn bà con cách cải tạo ao hồ; đồng thời, tuyên truyền và chỉ đạo người dân thả nuôi đúng khung lịch thời vụ, thả đúng mật độ mà ngành thủy sản đã khuyến cáo.
Sau mỗi vụ nuôi, lượng mùn bã hữu cơ của vật nuôi tích tụ lắng đọng nhiều ở đáy ao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Công tác cải tạo ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng, do đó người nuôi cần phải tiến hành nhiều biện pháp cải tạo ao hồ sau đó mới thả nuôi.
Tranh thủ những ngày nắng ráo, bà con ngư dân ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc chủ động nạo vét hơn 1.000m kênh mương cấp, thoát nước và cải tạo ao hồ để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Anh Trần Văn Chương, hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết: “Gia đình tui luôn xử lý ao hồ đúng quy trình kỹ thuật và thả nuôi đúng khung lịch thời vụ của ngành thủy sản đưa ra. Nhờ vậy, năm nào gia đình tui cũng được mùa tôm, cá; lãi khoảng 50 triệu đồng/năm”.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Đến nay, bà con trên địa bàn tỉnh cải tạo khoảng 3.000 ha ao hồ. Bước vào vụ nuôi, chi cục cử cán bộ về nằm vùng tại các địa phương nhằm hướng dẫn bà con xử lý ao hồ đúng quy trình kỹ thuật, nhắc nhở người dân đưa tôm giống đi kiểm dịch PCR trước khi thả nuôi; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo khung lịch thời vụ đối với từng vùng nuôi, mở lớp tập huấn quản lý con giống, đẩy mạnh công tác quản lý nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao ý thức của người nuôi bảo vệ lợi ích chung; tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Phú Vang là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, đầu vụ nuôi huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp hướng dẫn, chỉ đạo ngư dân cải tạo ao hồ đúng quy trình kỹ thuật ít nhất 7 ngày trước khi thả nuôi để chủ động nguồn nước và ổn định các yếu tố môi trường, đảm bảo môi trường thuận lợi, phòng bệnh cho tất cả các đối tượng nuôi.
Đồng thời, chọn một số đối tượng chủ lực có giá trị quy hoạch vùng nuôi cụ thể theo hình thức thâm canh năng suất cao giảm nuôi tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đối với hình thức nuôi chuyên tôm sú thả nuôi với mật độ từ 10-15 con cỡ p15/m2, 5-7 con cỡ 3-5cm/m2. Hình thức nuôi xen ghép mật độ nuôi tôm sú từ 1-2 con/m2 kết hợp đối tượng khác 2-3 con/m2 như các kình, dìa, nâu, cua, tôm rảo…
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Đầu vụ nuôi Chi cục Thú y hướng dẫn bà con một số công tác phòng chống dịch bệnh ở tôm nuôi. Trường hợp tôm nuôi bị bệnh chưa rõ nguyên nhân cần phải nuôi cách ly, tạm thời không xả nước ra môi trường xung quanh, phải báo cho những vùng nuôi xung quanh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời.
Khi xác định tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm thì chủ nuôi không xả nước ra môi trường bên ngoài ao nuôi; rải vôi hoặc Chlorrin quanh bờ ao khoảng 0,5-1kg/m bờ ao; xử lý bằng Chlorine Indo 65% với nồng độ 30g/m3 hoặc WanWay 2 lít/10.000m3, không để xác tôm rơi vải ra vùng nuôi và sau 7-10 ngày mới được tháo nước ra, phơi ao và cải tạo kỹ trước khi thả lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine Indo 65% với nồng độ 200g/m3”.
Đối với những ao nuôi trên cát, cao triều cần tháo cạn nước, những ao nhiễm phèn cần rửa ao nhiều lần. Nếu không thể loại bỏ phần đất đen thì tiến hành cày lật phơi khô đến khi đất có màu nâu và sạch là được. Phơi khô đáy ao từ 5-7 ngày đến khi đáy ao nứt hình chân chim.
Sau đó bón vôi, nên chia lượng vôi bón thành hai lần (trước khi cày 60%, sau khi bừa bón 40% còn lại). Lấy nước vào ao qua lưới lọc có mắt lưới nhỏ, độ sâu đạt thấp nhất 1m. Diệt khuẩn bằng thuốc tím nồng độ 3kg/1.000m3 nước. Sau khi diệt khuẩn 3 ngày tiến hành diệt tạp bằng Saponin liều lượng 10 kg/1.000m3 nước.
Gây màu nước bằng phân NPK liều lượng 30kg/ha. Những ao khó gây màu nước có thể dùng hỗn hợp cám, bột cá, đậu phụ và men vi sinh ủ trong vòng 2 ngày sau đó tạt đều khắp ao. Đối với những ao nuôi không thể tháo cạn nước, sau khi tiến hành vét bùn dơ ra khỏi ao cần tiến hành rửa ao nhiều lần bằng thủy triều, có thể dùng các loại men vi sinh để xử lý đáy ao.
Phòng Xét nghiệm của Trạm xá Thú y (Chi cục Thú y) xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR các loại bệnh sau: đốm trắng, MBV (bệnh còi), Taura (đầu vàng) và IHHNV (bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô ở tôm). Tôm giống trước khi thả nuôi bà con ngư dân cần đưa mẫu đến trạm xá để kiểm tra; tránh những mẫu tôm bị bệnh nhưng người dân vẫn thả nuôi, gây lây lan bệnh sang các ao hồ nuôi xung quanh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ