Thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu
Mục tiêu của CSA là cải thiện SXNN có tưới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi…
15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thực hành
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trot - BTTV Quảng Trị sau hai năm miệt mài triển khai thực hiện mô hình CSA cho biết dự án đã hỗ trợ xây dựng được 15 mô hình SXNN ứng dụng thực hành, trong đó 6 mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” với diện tích 438 ha cho 456 hộ nông dân trên đất 2 vụ lúa. Ngoài ra còn 6 mô hình sản xuất cây trồng cạn gồm lạc, ngô, đậu xanh… áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa với quy mô 54 ha…
Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng các mô hình nhân rộng CSA trên cây lúa, cây màu, cây rau. Trên cây lúa đã thực hiện được hai vụ (ĐX 2017-2018 và HT 2018) có quy mô 647 ha tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Trên cây màu thực hiện trong vụ HT 2018 quy mô 45ha tại các huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ. Với cây rau thực hiện trong vụ HT 2018 được 3ha tại huyện Vĩnh Linh. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, 100% giống và chế phẩm vi sinh, 30% vật tư được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người nông dân, trong đó nông hộ tham gia về công lao động trực tiếp, toàn bộ sản phẩm thu được nông hộ được hưởng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Phương việc sử dụng giống lúa mới có phẩm cấp và chất lượng gạo ngon như Bắc thơm số 7, LDA1, Thiên ưu 8, HN6... cho mô hình CSA đã mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn so với các giống lúa cũ như HC95, PC6, P6... đặc biệt là hạn chế được sâu, bệnh hại, từ đó giảm số lần phun thuốc BVTV 2-3 lần, đã tác động tích cực đến hệ sinh thái đồng ruộng.
Qua thực tiễn SX cho thấy năng suất lúa trung bình của các mô hình CSA vụ ĐX cao hơn ruộng đại trà 9,44 tạ/ha; vụ HT cao hơn 7,58 tạ/ha. Năng suất lúa trung bình ở các mô hình lúa CSA nhân rộng vụ ĐX 2017-2018 cao hơn ruộng đại trà 5,94tạ/ha; vụ HT cao hơn 5,7tạ/ha. Năng suất trung bình ở các mô hình CSA trên cây lạc vụ ĐX 2017-2018 cao hơn đại trà 3,1tạ/ha, trên cây màu (đậu xanh) vụ HT 2018 cao hơn đại trà 3,4 tạ/ha.
Mô hình CSA tại huyện Gio Linh
Vì vậy, lợi nhuận trên ruộng mô hình CSA lúa vụ ĐX cao hơn ruộng đại trà từ 2,3 đến 7,26 triệu đồng/ha (trung bình đạt 4,97 triệu đồng/ha), vụ HT từ 1,9 đến 14,9 triệu đồng/ha. Trên ruộng mô hình nhân rộng CSA lúa vụ ĐX cao hơn ruộng đại trà từ 2,2 đến 7,9 triệu đồng/ha, vụ HT cao hơn từ 3,08 đến 7,2 triệu đồng/ha. Trên ruộng mô hình CSA lạc vụ ĐX 2017 - 2018 cao hơn đại trà từ 2,91 đến11,35 triệu đồng/ha nên nông dân rất thích SX mô hình CSA.
Phát triển gần 5.400 ha
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Phương cho biết giai đoạn 2019-2020 cần đẩy mạnh nhân rộng các mô hình thực hành CSA có hiệu quả trên cây lúa, rau, màu, hồ tiêu, nhất là biện pháp ICM cho các địa phương trong vùng dự án tỉnh Quảng Trị với diện tích gần 5.400 ha.
Tiêu chí lựa chọn và đánh giá các điểm triển khai nhân rộng đại trà là địa phương phải có đối tượng cây trồng phù hợp với dự án như cây lúa, lạc, đậu xanh, ngô, rau và tiêu. Đối với lúa mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 50ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 20ha, liền vùng, liền thửa; tỉ lệ áp dụng sạ hàng tối thiểu đạt 50%; giống mới, ngắn ngày, áp dụng chế phẩm xử lý rơm rạ đạt hơn 70%; áp dụng bón phân cân đối đạt hơn 90%. Đối với cây màu mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 20 ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 10 ha, liền vùng, liền thửa. Đối với cây rau mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 5,0 ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 3,0 ha, liền vùng, liền thửa. Đối với cây tiêu mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 50 ha, quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 10 ha; có 100% số hộ tham gia thiết kế vườn hồ tiêu có đào rãnh thoát nước trong mùa mưa, che tủ trong mùa khô...
Nông dân Quảng Trị tham gia mô hình CSA
Việc tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình bà con nông dân được hỗ trợ các nội dung như giống, các loại vật tư mới như đạm nhả chậm, chế phẩm vi sinh, thiết bị sạ hàng, lên luống, gieo hạt, thiết bị tưới… cơ chế hỗ trợ một vụ trên một diện tích SX. Đối với cây lúa hỗ trợ 50% công cụ sạ hàng (định mức 01 cái/02 ha); 50% giống, 30% vật tư phân bón nhả chậm, 50% chế phẩm xử lý rơm rạ. Với cây màu hỗ trợ 50% công cụ gieo hạt lạc, đậu xanh và ngô (định mức 01 cái/01 ha), 70% giống lạc, đậu xanh và ngô đảm bảo phẩm cấp, 30% phân bón nhả chậm, 100% chế phẩm vi sinh và 100% bạt phủ nilon. Với cây rau hỗ trợ 50% hệ thống tưới tiết kiệm, 50% thiết bị như khay gieo hạt, khay đựng sản phẩm, lưới đen, 50% giống rau mới đảm bảo phẩm cấp, 100% chế phẩm vi sinh. Đối với cây hồ tiêu hỗ trợ 50% hệ thống tưới tiết kiệm, 100% chế phẩm vi sinh phòng trừ bệnh chết nhanh, chết.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định qua 4 vụ triển khai thực hiện các mô hình CSA tại các đại điểm ở địa phương cho thấy năng lực áp dụng các tiến bộ KHKT mới và nhận thức về BĐKH của nông dân các vùng dự án đã nâng lên.
Đặc biệt người dân ngày càng quan tâm hơn về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động BĐKH trong hoạt động SX. Thành công của mô hình tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, cây màu, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thích ứng BĐKH hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ