Mô hình kinh tế Thực Hư Giá Sương Sáo Giảm

Thực Hư Giá Sương Sáo Giảm

Ngày đăng 21/03/2014

Thực Hư Giá Sương Sáo Giảm

Mấy ngày gần đây, nhiều thông tin báo, đài về giá sương sáo giảm mạnh trong mùa vụ năm nay đã làm cho bà con xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vô cùng lo lắng và bức xúc.

Hiện sương sáo chính vụ nông dân đang ra sức chăm sóc, dự kiến hơn một tháng nữa mới thu hoạch lần đầu.

Không áp đặt giá hiện tại vào chính vụ

Chúng tôi về xã Hiệp Hưng, nơi có diện tích đất mía chuyển sang trồng sương sáo nhiều nhất của huyện Phụng Hiệp, gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Chiến, nông dân ở ấp Mỹ Hưng, bức xúc nói: “Thông tin gì kỳ quá, còn lâu mới vào vụ thu hoạch sương sáo mà nói giá giảm mạnh thế này, không khéo thương lái dựa cớ vào đây thì chẳng khác nào giết chết nông dân. Tôi đã gọi điện thoại cho mấy thương lái quen, họ nói năm nay giá không thấp hơn so với năm rồi”.

Theo người dân địa phương, mấy ngày trước có một số phóng viên đến phỏng vấn về diện tích sương sáo và tình hình giá cả, bà con trả lời theo tình hình thực tế giá hiện nay và cũng nói rõ đây là giá sương sáo trà bông, nghĩa là có một số diện tích bà con trồng không bán sương sáo lá mà trồng sương sáo để bông bán hột.

Hàng năm, sau khi lấy hột xong, còn lại phần cọng bông và phần gốc thay vì bỏ đi thì năm nay bất ngờ thương lái lại hỏi mua và bà con bán được giá từ 5.000-7.000 đồng/kg, riêng phần gốc nào còn tốt thì giá bán lên đến 9.000-10.000 đồng/kg.

Như vậy, đây chỉ là giá phế phẩm của sương sáo được thương lái thu mua về trộn với sương sáo tốt để tăng lợi nhuận mà thôi. Thực tế giá sương sáo chính vụ vẫn chưa có, bởi còn hơn một tháng nữa mới đến ngày thu hoạch, hiện chưa có thương lái nào đến hợp đồng và ngã giá với nông dân. Còn thông tin những ngày qua nói rằng giá bán sương sáo năm 2013 trên 30.000 đồng/kg, vụ này chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg thì chưa chính xác.

Anh Phạm Thanh Hùng, ở cùng ấp Mỹ Hưng, cho hay: “Năm rồi, gia đình tôi trồng được 3,5 công sương sáo, trong đó có 1 công trồng để bông bán hột cho bà con. Do sương sáo năm 2013 được giá cao nên thương lái tìm mua cả trà bông và gốc, mọi năm đâu có trường hợp này vì bông của sương sáo khi nấu chung sẽ có vị đắng. Chắc do một số phóng viên không hiểu hoặc nói không rõ ràng nên dẫn đến thông tin không tốt trong dư luận về giá sương sáo trong những ngày qua”.

Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho biết: Sau khi báo chí có phản ánh về giá sương sáo sụt giảm và gặp nhiều khó khăn đầu ra, chúng tôi đã đến một số hộ dân để nắm bắt thêm thông tin, sự thật thì giá sương sáo trong những ngày qua có như thế, nhưng đây là giá cuối vụ, chỉ số ít bà con tận dụng gốc và trà bông của vụ trước bán vào lúc này.

Thông thường, khoảng trung tuần tháng 4, nông dân mới thu hoạch chính vụ, do đó, hiện chưa thể nói điều gì về giá sương sáo năm nay mặc dù diện tích có tăng so với cùng kỳ.

Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng mong rằng bà con an tâm, đừng dao động. Nếu không khéo sẽ làm cho thương lái có cơ hội ép giá, gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, tôi mong một số cơ quan báo chí cần xem xét và đính chính lại vấn đề về thông tin giá sương sáo đã phản ánh trong thời gian gần đây.

Hồi chuông cảnh báo

Cây sương sáo được trồng trên địa bàn xã Hiệp Hưng khoảng 10 năm nay, ban đầu chỉ có một vài hộ tự mua giống về trồng, sau đó thấy có hiệu quả nên bà con tự nhân giống ra, từ đó diện tích hàng năm ngày một nâng lên.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, Hiệp Hưng là xã có diện tích trồng cây sương sáo tăng mạnh nhất, nếu năm 2013, toàn xã chỉ có khoảng 16ha, thì năm nay gần 60ha trong tổng số khoảng 65ha của toàn huyện. Nguyên nhân, do giá sương sáo năm 2013 ở mức cao nên bà con mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây này thay cho cây mía mấy năm liền rớt giá.

Mặc dù chưa thể khẳng định về giá cả của vụ sương sáo năm nay, tuy nhiên, với việc cây trồng này hiện chưa có nơi bao tiêu, bà con chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt nhân rộng diện tích lớn, thì đầu ra sau này sẽ không tránh khỏi khó khăn. Với thông tin phản ánh về sự bùng phát diện tích sương sáo và giá cả xuống thấp trong thời gian qua như một hồi chuông cảnh báo cho các ngành chức năng địa phương và người dân cần xem xét lại trong việc chuyển đổi giống cây trồng sao cho phù hợp, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.

Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho biết thêm: Do đầu ra sương sáo không ổn định nên về phía chính quyền địa phương thời gian qua không có khuyến cáo bà con trồng với diện tích lớn, chỉ xét thấy đơn vị nào xuống mua có điều kiện thì chúng tôi sẽ khuyến khích họ và quy hoạch một khu vực hoặc một vùng nào đó để làm nguyên liệu cho doanh nghiệp tiêu thụ. Còn lại những khu vực khác, chúng tôi từng bước vận động bà con phá bỏ và lựa chọn những cây trồng phù hợp hơn.

Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay: Đầu năm 2014, huyện chủ trương chỉ đạo chuyển đổi khoảng 180ha mía từ những vùng canh tác kém hiệu quả, sang trồng màu, cây ăn trái… Mục đích chuyển đổi nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như những dự báo trong thời gian tới cây mía sẽ không mang lại hiệu quả.

Còn đối với sương sáo, huyện không khuyến khích trồng loại cây này, đa phần bà con trồng tự phát. Cũng do cách làm tự phát, nên rủi ro của loại cây trồng này rất lớn, trong khi khó hạn chế được diện tích, đầu ra không ổn định. Chính vì lẽ đó, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn…

Theo bà con nông dân, sương sáo từ khi trồng đến thu hoạch từ 3-4 tháng, thời tiết thuận lợi, mỗi công đất (1.300m2) thu hoạch 1 lần khoảng 200kg sương sáo khô. Với giá bán từ 20.000-34.000 đồng/kg như vụ vừa qua, sau khi trừ chi phí, bà con thu được khoảng 20-25 triệu đồng/công. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết không thuận lợi, năng suất được dự báo sẽ giảm, trong khi chi phí đầu tư vụ này cao, nếu giá sương sáo giảm hơn so với cùng kỳ thì không ít nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn…


Năng Suất, Sản Lượng Hồ Tiêu Giảm Mạnh Năng Suất, Sản Lượng Hồ Tiêu Giảm Mạnh Phú Yên Kiểm Tra Mô Hình Sản Xuất Giống Lúa Có Nguồn Gốc Từ Nhật Bản Phú Yên Kiểm Tra Mô Hình Sản Xuất…