Tin nông nghiệp Thương lái săn mua nếp Quýt trồng trên cao nguyên Lâm Đồng

Thương lái săn mua nếp Quýt trồng trên cao nguyên Lâm Đồng

Tác giả Bảo Lâm, ngày đăng 21/05/2018

Thương lái săn mua nếp Quýt trồng trên cao nguyên Lâm Đồng

Không chỉ hạt lúa, mà sợi rơm nếp Quýt cũng được thương lái thu mua tận ruộng.

Cánh đồng nếp Quýt tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.

Nếp Quýt theo chân người Tày, Nùng từ Cao Bằng xuống Lâm Đồng được hơn 3 thập kỷ nay. Nơi trồng chủ yếu tập trung tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh - vùng thung lũng hẹp và bằng phẳng với độ cao 120-200 m nằm lọt thỏm giữa cao nguyên rộng lớn.

Loại nếp đặc sản được khách thị thành Đà Lạt, Sài Gòn ưa chuộng, chọn làm quà biếu hay để gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết cổ truyền. Nhiều Việt kiều cũng mua nếp Quýt Đạ Tẻh mang sang xứ người làm của để dành.

Trước đây, bà con xã An Nhơn trồng nếp Quýt số lượng ít, chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Khoảng 10 năm trở lại đây, thương lái bắt đầu phát hiện ra ưu điểm thơm ngon của hạt nếp này, săn lùng và đẩy mạnh thu mua. Địa phương cũng bắt đầu phát triển loại nếp này thành giống cây đặc sản và xây dựng thương hiệu.

Hiện, xã An Nhơn có khoảng 550 ha đất trồng lúa, thì trên 300 ha canh tác nếp Quýt, mỗi năm 2 vụ. Nếp Quýt vỏ mỏng, hạt tròn mập, trắng đục, dẻo thơm, cho năng suất tốt 5-6 tấn mỗi ha một vụ.

Tuy nhiên, cây lúa cao, thân nhỏ, bông to nên dễ ngã đổ. Trong giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là thời điểm trổ bông, lúa tỏa mùi thơm thu hút côn trùng, rầy nâu đến cắn phá. Do trồng theo tiêu chuẩn VietGap, bà con chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ. 

Nếp Quýt gặp đất xấu không sinh trưởng được, đất tốt quá cũng khó trồng. Mầm yếu nên khi gieo phải đúng thời vụ và chỉ trồng ở những nơi thích hợp. Thời điểm trước thu hoạch ít ngày, nông dân An Nhơn sẽ chọn những bông to khỏe, cắt riêng làm giống cho vụ sau.

Hầu hết nếp quýt được thương lái mua tận ruộng với giá trung bình 8.000-9.500 đồng mỗi kg lúa tươi. Sợi rơm cũng được thu mua, nên nông dân không phải bỏ công đốt bỏ.

Nếp quýt không chỉ được ưa chuộng trong nước, mà còn có hướng đi xuất khẩu. Hiện An Nhơn đã trồng 20 ha theo hướng hữu cơ, 5 ha theo tiêu chuẩn Global Gap và ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.


Người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo ở Bình Phước, thu nửa tỷ đồng/năm Người đầu tiên nuôi gà Đông Tảo ở… Quy trình thâm canh cây cà phê: Góp phần tăng năng suất Quy trình thâm canh cây cà phê: Góp…